Tranh thủ thúc đẩy giao thương trong lúc chờ 'bức tranh' thị trường Mỹ rõ nét hơn

Trong thời gian chờ đợi 'bức tranh' thị trường Mỹ sẽ rõ nét hơn với chính sách thuế quan mới, điều mà các doanh nghiệp Việt cần làm trong lúc này là tranh thủ thúc đẩy giao thương với đối tác Mỹ. Họ nên xây dựng quan hệ đối tác lâu dài, củng cố lợi thế cạnh tranh khác biệt, khai thác các cơ hội, đảm bảo những hợp đồng cung ứng dài hạn, tiếp tục duy trì thị phần…

Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho biết vào ngày 23/2/2025 sắp tới sẽ diễn ra diễn đàn thương mại (Trade Forum) của Phòng Thương mại châu Á (ACC- The Asian Chamber of Commerce) tại thành phố Houston. Nhân dịp này, chi nhánh thương vụ sẽ quảng bá tới cộng đồng doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ, các doanh nhân gốc châu Á và tới các cơ quan, hiệp hội DN vùng Nam Hoa Kỳ về các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu - đầu tư của nhiều DN Việt Nam.

Tiếp tục duy trì thị phần

Có thể nói việc tăng cường kết nối DN Việt Nam và Hoa Kỳ trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư như kể trên là rất cần thiết trong lúc này. Nhất là các đối tác Hoa Kỳ đang có nhu cầu nắm bắt thông tin và cơ hội nhằm thực hiện các định hướng mới của Chính phủ Trump 2.0.

Việc kết nối, xây dựng quan hệ đối tác lâu với các nhà thu mua lớn của Hoa Kỳ là rất cần thiết cho các DN Việt bất chấp sự gia tăng của các rào cản thuế quan.

Việc kết nối, xây dựng quan hệ đối tác lâu với các nhà thu mua lớn của Hoa Kỳ là rất cần thiết cho các DN Việt bất chấp sự gia tăng của các rào cản thuế quan.

Bên cạnh đó, như chia sẻ được đưa ra vào ngày 17/2 từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chính quyền Tổng thống Trump đang triển khai các bước đi thận trọng để đánh giá cấu trúc thương mại quốc tế của Hoa Kỳ từ đó có các phương hướng cải cách…

Trước việc Tổng thống Trump đã tuyên bố áp dụng thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thép, nhôm từ các nước nhập khẩu, phía Thương vụ nhận định trong bối cảnh này Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu (XK) nhôm, thép vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hàng hóa Việt Nam XK sang thị trường Hoa Kỳ có giá cạnh tranh, chất lượng tốt có thể bổ trợ cho nền kinh tế Hoa Kỳ, góp phần giúp giảm lạm phát, bổ trợ rất lớn cho hoạt động thương mại hai bên.

Về chính sách thuế quan mới của Mỹ với mặt hàng thép, nhôm, giới quan sát cho rằng một số sản phẩm tôn mạ có mức thuế khoảng 22% và khi tăng thuế có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá đối với thép Việt Nam, do đó khả năng cao các DN Việt sẽ phải giảm giá bán tại Mỹ.

Như đánh giá từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS, trong bối cảnh nhu cầu của Mỹ đang phụ thuộc vào thép xuất khẩu (chiếm 51% tiêu thụ) nên việc tìm kiếm các nhà XK mới có thể cần thời gian, bên cạnh đó các DN tôn mạ Việt Nam hoàn toàn có thể giảm giá bán nhằm duy trì thị phần do biên lợi nhuận gộp đang ở mức ổn định 8% - 10%. Nhờ đó, sản lượng XK có thể duy trì trong khi biên lợi nhuận dự kiến giảm nhẹ.

Theo nhận định của MBS, các DN có tỷ trọng XK thép vào Mỹ cao như CTCP Tôn Đông Á (16%), CTCP Thép Nam Kim (13%) và CTCP tập đoàn Hoa Sen (9%) có thể sẽ giảm nhẹ biên lợi nhuận trong khi sản lượng không bị tác động đáng kể. Các DN có thể phải giảm giá bán khoảng 3 - 4% đối với các sản phẩm hiện tại có mức thuế 22% nhằm duy trì thị phần.

Hoặc như với ngành hàng cá tra. Với việc Mỹ áp thuế thêm 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, XK cá tra của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ giá bán cạnh tranh. Hơn nữa, Mỹ thực thi phán quyết của WTO về việc đưa Vĩnh Hoàn ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi XK cá tra, cá basa vào Hoa Kỳ sẽ mở ra cơ hội cho XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Đứng ở góc độ ngành thủy sản, khi dự báo xu hướng những tháng tới, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), có lưu ý thương mại thủy sản toàn cầu đang phụ thuộc vào những động thái và chính sách thuế quan từ thị trường Mỹ.

Củng cố lợi thế cạnh tranh

Dẫn nhận định của giới chuyên gia là cần 3- 6 tháng mới định hình rõ nét bức tranh thị trường trong bối cảnh mới, bà Lê Hằng cho rằng trong thời gian chờ đợi này có thể các DN xuất khẩu và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ thúc đẩy mạnh giao thương. Do vậy, trong một vài tháng tới, XK sang Mỹ có thể tăng mạnh. Cũng có thể dẫn tới những hệ lụy mà các DN cần tính tới là chi phí vận tải và logistic sẽ tăng do sự đổ dồn XK sang Mỹ.

Xét về tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ, Ts. Irfan Ulhaq, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng và logistics, đã chỉ rõ người mua tại Mỹ đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và ngành sản xuất mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép và đồ nội thất, khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Và các hiệp định thương mại tự do (FTA) và năng lực sản xuất hiệu quả về mặt chi phí của Việt Nam mang lại lợi thế cạnh tranh để đảm bảo duy trì hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu Mỹ.

“Để khai thác đầy đủ các cơ hội này, các DN Việt nên tuân thủ các quy định thương mại của Mỹ, đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Họ cũng cần đầu tư vào thương hiệu, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các kỹ thuật sản xuất tiên tiến sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh”, Ts Ulhaq đưa ra lời khuyên.

Vị chuyên gia này cũng nêu bật Nghị định 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm khởi động Quỹ hỗ trợ đầu tư để thúc đẩy đầu tư công nghệ cao, bao gồm cả chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và R&D. Các ưu đãi theo nghị định này cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng, đổi mới và tiến bộ công nghệ, giúp các DN Việt đảm bảo vị thế của mình trên thị trường Mỹ.

Thực tế cho thấy, trong khi chờ “bức tranh” mới về thị trường Mỹ rõ nét hơn thì điều trước mắt mà các DN Việt Nam cần làm là củng cố lợi thế cạnh tranh tại Hoa Kỳ dù cho vấn đề thuế quan đặt ra không ít thách thức.

Đơn cử như việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các DN Hoa Kỳ ngày càng trở nên quan trọng. Theo đó, các DN Việt không nên chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà đã thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược với đối tác Hoa Kỳ, bao gồm phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường và các hợp đồng cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường.

Hoặc như xu hướng chuyển đổi từ mối quan hệ nhà cung cấp đơn thuần sang mối quan hệ đối tác toàn diện đang đòi hỏi rõ nét hơn. Điều này rất cần các công ty Việt Nam tiếp tục mở văn phòng tại Hoa Kỳ, xây dựng mạng lưới phân phối và phát triển quan hệ trực tiếp với khách hàng cuối cùng. Việc hiện diện ngay tại thị trường Mỹ vào lúc này sẽ giúp họ duy trì tính cạnh tranh bất chấp sự gia tăng của các rào cản thuế quan.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-thu-thuc-day-giao-thuong-trong-luc-cho-buc-tranh-thi-truong-my-ro-net-hon-1105010.html