Tránh tình trạng 'gom' đất khi có quy hoạch

Trước phản ánh của cử tri qua đường dây 'nóng' tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Nam Khóa XIX về tình trạng cán bộ địa chính mua 'gom' đất khi có quy hoạch, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đề nghị các ngành chức năng cần kịp thời nắm bắt thông tin và chấn chỉnh những cán bộ có liên quan. Tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, gây tâm tư cho người dân và khó khăn cho nhà đầu tư.

Giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường

Một trong những nội dung được đông đảo đại biểu quan tâmtại phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường là giải pháp xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo đại biểu Trần Thị Vi, mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực, cam kết xử lý khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực sông Nhuệ, sông Châu Giang và khí thải từ các khu công nghiệp… vẫn còn tiếp diễn. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân, được cử tri phản ánh nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp cụ thể xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

Đại biểu phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh H. Dương

Đại biểu phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh H. Dương

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Chí Thống cho biết: Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 28-CTr/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 2382/QĐ-UBND ngày 31.12.2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình 28 của Tỉnh ủy về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025. Trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ.

Ngoài ra, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy, cơ sở hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng chấp hành nghiêm pháp luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường hoạt động của Tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường khu vực phía Tây sông Đáy (giám sát đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm); làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân các địa phương nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường cần ngăn chặn kịp thời tình trạng hút cát trái phép ở sông Hồng gây sạt lở đất canh tác của Nhân dân; có giải pháp chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp do UBND quản lý trong cùng thửa đất ở, xen kẹt trong khu dân cư và sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất (nhất là đất rừng) khi thực hiện thu hồi, triển khai các dự án…

Xử lý nghiêm cán bộ không làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm

Qua đường dây "nóng", HĐND tỉnh Hà Nam đã nhận được ý kiến cử tri xoay quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa; đất ở trong khu dân cư và những vướng mắc trong việc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng đối với đất đa canh và đất có nguồn gốc từ nông trường. Đặc biệt cử tri phản ánh, hiện nay có một số cán bộ địa chính của một số địa phương mua “gom” đất khi biết khu vực đó có quy hoạch hoặc dự án đi qua nhưng không chịu nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định mà đòi giá cao hơn. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, cử tri đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Trước phản ánh của cử tri, người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Sở đã bàn giao lại toàn bộ những trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa về cho cấp huyện để triển khai xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng với những tồn tại trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất đa canh và đất có nguồn gốc từ nông trường, UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu nhiều văn bản và tham gia góp ý để xử lý tồn tại này.

Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều nội dung mới sẽ xử lý được vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận, cũng như bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông trường, đa canh và đất khai hoang phục hóa. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu dự thảo các quy định này để UBND tỉnh ban hành khi Luật Đất đai mới và nghị định có hiệu lực thì quyết định của tỉnh cũng sẽ có hiệu lực. Đối với tình trạng cán bộ địa chính “găm” đất được cử tri phản ánh, Sở sẽ kiểm tra, chấn chỉnh cán bộ phải nghiêm túc trong quá trình thực hiện quản lý đất đai.

Nhấn mạnh sắp tới, tỉnh Hà Nam sẽ triển khai thực hiện các dự án, tuyến đường, cũng như công trình đầu tư công, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần chấn chỉnh cán bộ địa chính trong toàn ngành và những cán bộ liên quan không được lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây tâm tư cho người dân và khó khăn cho nhà đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, người dân rất đồng tình ủng hộ và thống nhất với các chủ trương của tỉnh, do vậy không được để “một con sâu làm rầu nồi canh”. Cùng với đó, các ngành chức năng cần kịp thời nắm bắt thông tin về các trường hợp “nhũng nhiễu” trên, nếu không có thay đổi thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Từ đó, nâng cao trách nhiệm và ý thức công vụ của cán bộ.

Đào Cảnh - Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tranh-tinh-trang-gom-dat-khi-co-quy-hoach-i381633/