Tránh trục lợi trong đấu giá đất công

Đấu giá quyền sử dụng đất công (QSDĐC) là một cơ chế mang về nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và hiện chiếm khoảng 90% giá trị đấu giá tài sản công.

Thời gian qua, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong đấu giá QSDĐC, cũng còn xảy ra không ít vụ việc tiêu cực, trục lợi, đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát và sửa đổi những bất cập trong quy định của luật.

Không ít vi phạm

Vừa qua, 4 lô đất “vàng” ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) được đấu giá thành công với tổng số tiền 37.350 tỷ đồng. Đây là một trong những điển hình về việc đấu giá thành công, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện không ít sai phạm trong đấu giá QSDĐC, gây thiệt hại cho Nhà nước. Mới đây, đầu tháng 11-2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh và khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng có liên quan. Kết quả điều tra cho thấy, tháng 8-2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương.

Ban đầu, Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đối tượng đã thông đồng để hạ giá trị khu đất xuống còn 300 tỷ đồng. Sau đó, khu đất này được bán đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Thế nhưng chỉ một tháng sau khi được bàn giao đất, các đối tượng đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu đồng một mét vuông. Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng...

 Một số lô đất ở TP Hồ Chí Minh được đấu giá thành công. Ảnh: HẢI LONG.

Một số lô đất ở TP Hồ Chí Minh được đấu giá thành công. Ảnh: HẢI LONG.

Những khoản tiền lớn thất thoát trong đấu giá QSDĐC nếu không được kịp thời phát hiện, thu hồi sẽ rơi vào túi những kẻ cơ hội. Tiêu cực trong đấu giá QSDĐC không chỉ làm thiệt hại tài sản Nhà nước mà còn gây bức xúc, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với cán bộ Nhà nước, với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp nào?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sai phạm trong đấu giá QSDĐC thời gian qua là pháp luật hiện nay đang trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định quá lớn, trong khi lại không có quy định nào về hậu kiểm kết quả thẩm định.

Vì thế rất cần có quy định đơn vị kiểm toán tiến hành hậu kiểm kết quả mà doanh nghiệp thẩm định giá đã làm. Mặt khác, tại nhiều địa phương, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm, thậm chí bị buông lỏng, trong khi hành vi thông đồng, dìm giá, quây thầu, vây thầu khá tinh vi, phức tạp; việc lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá chưa khách quan, có tình trạng “sân sau”... Những bất cập này cần phải được khắc phục.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và các cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Luật Đấu giá tài sản còn khá chung chung dẫn đến tình trạng có đơn vị đấu giá vì nhiều mục đích khác nhau đã đặt thêm yêu cầu, điều kiện nhằm cản trở người tham gia đấu giá mua, nộp hồ sơ đăng ký. Điều 38 Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định “tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày” nhưng thực tế, việc mua hồ sơ giấy hợp lệ do cơ quan đấu giá phát hành là điều không dễ.

Bộ Tư pháp cho biết đã nhiều lần nhận được phản ánh một số tổ chức đấu giá tài sản chỉ bán giới hạn số lượng hồ sơ đấu giá trong ngày; bán, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá ngoài giờ hành chính, không liên tục, không bảo đảm đủ thời gian quy định. “Hiện nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã vận hành với các giao dịch hành chính trực tuyến, điện tử nhưng trong đấu giá lại buộc phải mua hồ sơ giấy rồi về viết thông tin và nộp lại là không hợp lý. Theo tôi chỉ cần liên lạc qua điện thoại hay email và chuyển khoản một số tiền đặt cọc là đủ điều kiện tham gia đấu giá”, luật sư Nguyễn Thanh Tùng nêu ý kiến.

Để góp phần ngăn chặn những tiêu cực trong đấu giá QSDĐC, chuyên gia kinh tế , TS Nguyễn Minh Phong, cho rằng, cần công khai, minh bạch thông tin đấu giá và dành đủ thời gian để cá nhân, tổ chức tham gia, không để xảy ra tình trạng “sáng thông báo, chiều hết hạn”; hồ sơ phải chi tiết, rõ ràng nhằm tránh hiện tượng lấy cớ hồ sơ chưa đúng quy định để loại đối thủ cạnh tranh. Mặt khác, cần xây dựng bộ máy tổ chức thầu thật trong sạch, có sự giám sát chéo; kết quả trúng thầu phải được công khai đúng quy định, có số đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ảnh, tránh việc hình thức hóa, hợp lý hóa thủ tục, quy trình. Những sai phạm nếu có phải được nhận diện, xử lý bằng quy định rất cụ thể, chế tài xử phạt bao gồm cả biện pháp hành chính, tài chính và hình sự...

KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tranh-truc-loi-trong-dau-gia-dat-cong-680703