Một số cán bộ đã tiếp tay cho Công ty Xuyên Việt Oil chiếm dụng quỹ bình ổn xăng dầu
Cáo buộc thể hiện, mặc dù không kiểm tra đầy đủ các đại lý bán lẻ, cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu nhưng Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương vẫn ký biên bản xác nhận. Khi kiểm tra thực tế, mặc dù phát hiện sai phạm song ông Tuấn bỏ qua, không xem xét, đề xuất xử lý, chấn chỉnh công ty trong việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 15 bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil về các tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Theo cáo trạng, bà Mai Thị Hồng Hạnh (giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Xuyên Việt Oil) đưa hối lộ hơn 22 lần với số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Hạnh có sai phạm trong việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát cho nhà nước hơn 1.460 tỷ đồng.
Cáo trạng cho thấy sai phạm của Xuyên Việt Oil có sự "tiếp tay" của một số cán bộ, lãnh đạo của Vụ, Bộ Công thương; Bộ Tài chính…
Công ty Xuyên Việt Oil do bà Hạnh nắm giữ 98% vốn góp, quyết định toàn bộ vấn đề kinh doanh. Đến năm 2023, công ty có 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 9 công ty liên quan.
Theo hồ sơ, năm 2016, Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Đến tháng 6/2021 thì giấy phép chuẩn bị hết hạn. Do không đủ điều kiện cấp lại giấy phép, bà Hạnh đã chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng (phó giám đốc), Đồng Xuân Dũng, nhân viên công ty liên hệ, chuẩn bị tiền hối lộ và đưa hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Vụ, Bộ Công thương để xin cấp lại giấy phép.
Thông qua bị can Nguyễn Lộc An giới thiệu, Hạnh liên lạc nhờ ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công thương) giúp đỡ. Ông Hải đã giới thiệu Hạnh liên hệ với Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước để được hướng dẫn cụ thể. Ông Hải cũng gọi điện cho Tuấn chỉ đạo sớm xem xét, giải quyết hồ sơ cho Xuyên Việt Oil.
Sau khi bà Hạnh liên lạc, Tuấn đã báo cáo lại cho ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và cả hai thống nhất tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil. Ông Đông cũng nhắc Tuấn phải chú ý đảm bảo về hình thức, thành phần hồ sơ.
Theo chỉ đạo của Hạnh, ngày 17/6/2021, Đồng Xuân Dũng (lái xe của Hạnh) đưa 10.000 USD để Nguyễn Văn Thắng “đưa quà” cho Tuấn. Thắng báo cáo lại có đưa 5.000 USD (hơn 114 triệu đồng) cho Tuấn.
Ngày 24/6/2021, Thắng nộp hồ sơ xin cấp giấy phép tại Bộ phận một cửa Bộ Công thương. Do hồ sơ chưa đáp ứng điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối xăng dầu nên Hạnh hứa hẹn chi phí thêm 300.000 USD và Tuấn hướng dẫn, tư vấn.
Để đáp ứng điều kiện, Hạnh chỉ đạo Thắng tìm thương nhân đầu mối có sở hữu đại lý bán lẻ xăng dầu để mua lại cổ phần.
Xuyên Việt Oil đã mua lại 51% cổ phần Công ty Đại Đồng Xuân và bổ sung các hồ sơ còn thiếu. Để đạt được mục đích, Hạnh chỉ đạo Thắng đưa tiền hối lộ cho ông Đông và Tuấn.
Tháng 11/2021, Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương do Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil. Trong lần này, Hạnh chỉ đạo nhân viên đưa đoàn kiểm tra tượng trưng cây xăng trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM và chỉ đạo Thắng đưa 10.000 USD hối lộ cho Tuấn.
Cáo buộc thể hiện, mặc dù không kiểm tra đầy đủ các đại lý bán lẻ, cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu nhưng Tuấn vẫn ký biên bản xác nhận. Khi kiểm tra thực tế, mặc dù phát hiện sai phạm song Tuấn bỏ qua, không xem xét, đề xuất xử lý, chấn chỉnh công ty trong việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đến ngày 19/11/2021, dựa trên phiếu trình của Tuấn, ông Hải ký giấy phép cho Xuyên Việt Oil. Sau đó, Hạnh lên phòng làm việc, đưa cho ông Hải túi quà đựng 50.000 USD.
Cáo buộc thể hiện, Hạnh đã chi hối lộ hơn 8,2 tỷ đồng cho lãnh đạo Vụ, Bộ Công thương. Trong đó, ông Hải nhận hơn 1,1 tỷ đồng; ông Đông nhận hơn 5,6 tỷ đồng…
Mặt khác, theo quy định, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính là cơ quan theo dõi, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối trong việc trích lập, sử dụng quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo cáo trạng, từ tháng 10/2017 đến đầu năm 2023, Công ty Xuyên Việt Oil và ngân hàng không gửi sao kê tài khoản quỹ bình ổn xăng dầu đến Cục Quản lý giá song ông Đặng Công Khôi (Phó Cục trưởng) không chỉ đạo áp dụng biện pháp xử lý kịp thời, gián tiếp tạo điều kiện cho bị can Hạnh chiếm dụng trái phép hơn 229 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2021, ông Khôi là trưởng đoàn kiểm tra thực tế tình hình, biết rõ sai phạm của Xuyên Việt Oil nhưng không chỉ đạo, đề xuất áp dụng biện pháp để ngăn chặn hành vi dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Cáo buộc xác định ông Khôi nhận hối lộ hơn 459 triệu đồng.