Tránh tư tưởng 'ngành' trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045'; trình Trung ương cho ý kiến.

Trên cơ sở đó, chiều 1-7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp lý uy tín để lắng nghe những ý kiến góp ý vào việc xây dựng Đề án quan trọng này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Tại buổi làm việc, bày tỏ tán thành, nhất trí cao đối với tính cấp thiết và những định hướng xây dựng Đề án, các nhà khoa học cho rằng, Đề án cần được xây dựng với tinh thần đề cao vị trí, vai trò của pháp luật. Pháp luật phải được tôn trọng, thi hành nghiêm minh. Đánh giá cao cách làm đổi mới, thiết thực và hiệu quả của Ban Chỉ đạo, các nhà khoa học đề nghị, việc xây dựng Đề án cần hướng đến thúc đẩy tiến bộ xã hội trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường… và quan trọng nhất là phải “hướng đến người dân”; vì lợi ích các tổ chức, công dân. Đề án cũng cần phải tháo gỡ được những hạn chế của pháp luật hiện tại; có tính đến sự hài hòa của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Đặc biệt, các nhà khoa học nhấn mạnh quan điểm xây dựng Đề án phải bám sát quan điểm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đối với tất cả các tổ chức chính trị xã hội trong đời sống Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Cùng với đó là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, giữa tập thể với cá nhân trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng. Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến yêu cầu cần đề cao vai trò của nhân dân trong xây dựng Đề án với tư cách là chủ thể của quyền lực, là mục tiêu, là chủ thể của chính sách. Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc phân công thực hiện xây dựng Đề án quan trọng này phải tránh được tư tưởng “ngành”; tránh tình trạng bảo vệ quyền và lợi ích của ngành mà phải hướng đến các mục tiêu chung, tầm nhìn dài hạn.

Đánh giá cao ý kiến của các nhà khoa học, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Đề án. Các nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận phải mới, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực; làm rõ hơn một số nội hàm và có thể bổ sung thêm một số chuyên đề mới phù hợp với yêu cầu thực tế. Các chuyên đề khi xây dựng cần tiếp thu thành tựu nghiên cứu, mô hình Nhà nước pháp quyền trên thế giới với bước đi chắc chắn, phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, các ý kiến góp ý tại buổi làm việc lần này sẽ được tiếp thu đầy đủ trong quá trình hoàn thiện Kế hoạch xây dựng Đề án. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, mở các hội thảo trên một số lĩnh vực khác để tiếp thu các ý kiến đóng góp về Đề án.

MINH TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tranh-tu-tuong-nganh-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-743081.html