Tránh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn làm khó doanh nghiệp

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị lưu tâm về trách nhiệm của các cơ quan ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, tránh làm khó người dân, doanh nghiệp.

Ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” .

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến.

Tại phiên thảo luận, về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nhiều đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phục vụ cho nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, tham gia hội nhập vào các thị trường.

Thế nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều quy chuẩn có những nội dung quy định thiếu thống nhất, khó hiểu, nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần phải lưu tâm về trách nhiệm của các cơ quan ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, tránh làm khó người dân, doanh nghiệp.

Đóng góp ý kiến vào nội dung báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, các đại biểu đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và tăng cường phạm vi giám sát trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên cả nước.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Đối với việc xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế, sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành việc bổ sung dự toán chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 cho Bộ Y tế là hơn 424 tỷ đồng để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng.

Về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để xem xét, quyết định việc ban hành nghị định theo thẩm quyền.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tranh-xay-dung-tieu-chuan-quy-chuan-lam-kho-doanh-nghiep-260020.htm