Tranh Xèo Chu lên sàn giao dịch điện tử
Mới đây, họa sĩ nhí Xèo Chu thu về gần 23.000 USD cho bức tranh NFT đầu tiên của mình trên sàn giao dịch điện tử.
Xèo Chu vừa trở thành một trong những họa sĩ châu Á trẻ nhất tham gia thị trường tranh qua sàn điện tử. Họa sĩ nhí này cũng vừa thu về gần 23.000 USD (quy đổi) cho bức tranh "Hoa Mai may mắn" trên sàn giao dịch điện tử Binance NFT hôm 6-8.
Với giá khởi điểm hơn 5.000 USD (quy đổi), cuối cùng, tác phẩm này được bán với giá gần 23.000 USD. Đây cũng là bức tranh có giá trị cao nhất được giao dịch trên sàn NFT đến từ các họa sĩ Việt.
Trước Xèo Chu, Việt Nam từng có 2 họa sĩ tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT là Phong Lương và Tú Na. Phong Lương là họa sĩ đồ họa chuyển động và giám đốc nghệ thuật tự do sống tại Paris - Pháp. Tác phẩm của anh thiên về hình học đơn giản, hoạt hình vui vẻ với thiết kế đầy màu sắc. Trong khi đó, tác phẩm của Tú Na thường mang thông điệp triết lý xã hội. Tú Na đã thu về hơn 31.000 USD (quy đổi) trong đợt triển lãm trên sàn NFT, trong đó bức tranh có giá cao nhất là hơn 5.000 USD. Còn Phong Lương thu về gần 7.000 USD (quy đổi), trong đó bức tranh có giá cao nhất trên sàn NFT là 3.000 USD.
Việc tranh Xèo Chu thu về gần 23.000 USD trên sàn giao dịch điện tử lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người yêu nghệ thuật. NFT giống mô hình của một phiên chợ ảo, ở đó các sản phẩm được chuyển đổi sang phiên bản số trên nền tảng Blockchain. NFT (hay Token không thể thay thế) ra đời từ năm 2017 nhưng mới được biết đến rộng rãi từ nửa năm nay. Tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT luôn là bản gốc, không thể sao nhái. Vì vậy, người mua có thể truy nguyên tác giả mà không cần đơn vị trung gian hay nhà đấu giá nào đứng ra xác tín.
Vật phẩm nào cũng có thể NFT hóa chứ không riêng nghệ thuật. Đã có album ca nhạc được bán vài triệu USD. Bức tranh "Everydays: The First 5000 Days" của Beeple đấu giá lên mức 69,3 triệu USD, đưa tác giả trở thành một trong 3 họa sĩ đương thời có giá trị đấu giá cao nhất. Ngoài ra, các tác phẩm phim, sách, ảnh... đều có thể đưa lên sàn đấu giá ảo.
Công nghệ NFT cũng sẽ giúp người xem có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chưa từng được trưng bày. Tranh vẽ trên hai mặt toan của họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Thành Chương cũng nằm trong số tác phẩm ấy. NFT giúp người xem lưu trữ tác phẩm với giá trị nguyên vẹn (được xác nhận bằng chữ ký của nghệ sĩ) trong các trường hợp rủi ro như tác phẩm bị cháy, hư hỏng không thể phục hồi. Những lần giao dịch sẽ được lưu lại trên hồ sơ số của tác phẩm. NFT chính là cách để người xem lần về quá khứ sống động của tác phẩm nghệ thuật.
Xèo Chu cho biết: "NFT là một thế giới hoàn toàn mới với tôi. Tôi vô cùng hào hứng khi thấy tác phẩm nghệ thuật của mình đã vượt ra ngoài ranh giới vật lý thông thường để tiếp cận những người yêu mến".
Giám đốc Biance Việt Nam, bà Lynn Hoàng, cho biết việc Binance ra mắt sàn giao dịch NFT tạo ra một hệ sinh thái cho các tác giả và giới sưu tập đến gần nhau hơn và giao dịch dễ dàng hơn. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam có thể mang tác phẩm của mình đến với công chúng trong và ngoài nước một cách dễ dàng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tranh-xeo-chu-len-san-giao-dich-dien-tu-20210925093226824.htm