Trao 'cần câu' cho người yếu thế

Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội chủ động triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt, nguồn vốn từ chương trình tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời đã đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức giải ngân vốn vay cho người dân

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức giải ngân vốn vay cho người dân

Tạo sinh kế từ nguồn vốn vay ưu đãi

Trong lúc trò chuyện cùng đại diện Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bến Lức và Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, chị Nguyễn Thị Nin (ấp 6, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) không ngớt lời cảm ơn về sự giúp đỡ đối với gia đình chị. Bởi, theo chị Nin, nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chị Nin có chồng và 3 người con. Con trai lớn năm nay đã 22 tuổi, mắc nhiều chứng bệnh, mấy năm qua phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ sự trợ giúp của chị. Con gái thứ 2 là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Con gái út đang độ tuổi đi học. Gia đình có mấy công đất do mẹ chị cho, trồng khoảng 200 gốc chanh. Trước đây, chị Nin làm công nhân, chồng làm thuê, làm mướn nhưng cuộc sống cứ bấp bênh, hụt trước rồi thiếu sau. Bàn với chồng, chị Nin quyết định nghỉ việc.

Được sự trợ giúp của Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp 6, xã Thạnh Lợi - Nguyễn Văn Út, gia đình chị vay 50 triệu đồng để mua chanh giống về trồng. Do mới trồng chanh, chưa có kinh nghiệm, gần một nửa số chanh giống ban đầu bị hư hao, chị Nin phải mua giống chanh mới về trồng. Để “lấy ngắn nuôi dài”, chị Nin cùng chồng mua hạt giống các loại rau thơm như húng cây, húng lủi, quế,... về trồng để có thu nhập hàng ngày. Sau hơn 2 năm trồng trọt, chăm sóc, số chanh trồng ban đầu đã cho trái.

Chị Nin nói: “Khoảng 3 tuần, tôi hái chanh 1 lần, được khoảng 1 tấn. Riêng rau thơm, ngày nào tôi cũng cắt bán. Nếu không có vốn vay từ PGD NHCSXH huyện, chắc vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn. Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi phát triển kinh tế ngay trên đất nhà, với thu nhập từ 500.000-600.000 đồng/ngày nhờ bán rau. Số tiền này dành mua thuốc điều trị bệnh cho con trai, trang trải tiền học cho 2 đứa con gái và lo tiền chợ,... Còn tiền bán chanh, tôi dành dụm để mua phân bón cho cây, trả tiền lãi và gởi tiết kiệm”. Hiện nay, gia đình chị Nin là hộ cận nghèo của xã Thạnh Lợi. Ngoài vay 50 triệu đồng để trồng chanh, chị còn vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên.

Tiếp khách trong căn nhà mới khang trang, chị Phạm Thị Vợt (ấp 6, xã Thạnh Lợi) phấn khởi “khoe” thoát nghèo vào tháng 11/2022. Chị Vợt chia sẻ: “Cảm ơn chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm đến hoàn cảnh gia đình tôi. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, tôi có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo, xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định cuộc sống”. Trước đây, nhà chị Vợt nằm sâu trong ruộng chanh, cách căn nhà mới xây tầm 10 phút đi xe máy. Chị làm mẹ đơn thân, vừa nuôi con ăn học, vừa làm nông vất vả nên thường thiếu thốn. Căn nhà lá ọp ẹp, mỗi khi mùa mưa về, nước ngập, tràn hết nhà.

Biết hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp 6, xã Thạnh Lợi - Nguyễn Văn Út tiếp cận, hướng dẫn cách thức vay vốn. Nắm bắt cơ hội, chị Vợt vay 3 chương trình: Phát triển kinh tế, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và học sinh, sinh viên. Cũng từ nguồn vốn này, chị trồng chanh, nuôi con trai duy nhất học đại học. Nay con chị đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định tại tỉnh Đồng Nai.

Cũng nhờ nguồn thu nhập từ trồng chanh, chị Vợt trả tiền vay, gửi tiết kiệm. Số tiền còn dư, chị mua thêm đồ hàng bông, tôm, cá,... mang đến chợ Hóc Môn (TP.HCM) bán kiếm thêm tiền lời. Nhờ biết cách làm kinh tế nên từ 0,3ha đất ban đầu do gia đình cho, hiện nay, chị mua thêm 0,5ha đất. Căn nhà mới khang trang vừa xây cũng từ tiền tích lũy trồng chanh. Tuy thoát nghèo nhưng chị Vợt vẫn được giải quyết cho vay 50 triệu đồng từ NHCSXH nhằm tạo sinh kế và việc làm bền vững.

"Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, tôi có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo, xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định cuộc sống”.

Chị Phạm Thị Vợt (ấp 6, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức)

Đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức - Trương Trần Tuấn (bìa trái) trao đổi, gặp gỡ hộ gia đình vay vốn

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức - Trương Trần Tuấn (bìa trái) trao đổi, gặp gỡ hộ gia đình vay vốn

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp 6, xã Thạnh Lợi - Nguyễn Văn Út thông tin: Hiện tổ có 40 tổ viên vay vốn với số tiền trên 1,5 tỉ đồng từ NHCSXH. Hàng tháng, tổ viên gửi tiết kiệm trên 200 triệu đồng. Hầu hết tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển kinh tế từ trồng chanh, cây mai vàng; xây nhà vệ sinh; chăm lo con em là sinh viên, học sinh đi học. Nguồn vốn tín dụng chính sách được cung ứng kịp thời giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và hoàn trả vốn vay đúng hạn.

Theo Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bến Lức - Trương Trần Tuấn, thời gian qua, PGD NHCSXH huyện tích cực bám sát mục tiêu phát triển kinh tế, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh của đối tượng chính sách. PGD đang quản lý nguồn vốn vay trên 385 tỉ đồng, tăng 45 tỉ đồng (13,3%) so với đầu năm 2023. Trong đó, tổng dư nợ đến nay trên 368 tỉ đồng, với 9.578 khách hàng còn dư nợ. Theo đó, khách hàng dư nợ một số chương trình theo mục đích sử dụng vốn như tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm; tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt, bao gồm: Cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, mua nhà trả chậm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long,...

Ông Trương Trần Tuấn cho biết: Thời gian tới, PGD NHCSXH huyện tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện, ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, PGD tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện để tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng tốt hơn./.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được cung ứng kịp thời giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và hoàn trả vốn vay đúng hạn.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/trao-can-cau-cho-nguoi-yeu-the-a161581.html