Trao 'cần câu' để thoát nghèo

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên) được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, tạo động lực thoát nghèo bền vững.

Nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế

Nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế

Chìa khóa để giảm nghèo

Việc triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ cho người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, huyện Võ Nhai đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn quan tâm lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên.

Theo đó, thông qua nguồn vốn từ các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương, người dân ở huyện miền núi Võ Nhai được hỗ trợ các mô hình sinh kế như trồng cây chè, măng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… phù hợp với nguyện vọng. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo có cơ hội cải thiện sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Anh Hoàng Văn Tý ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai phấn khởi cho biết: Năm 2022, vợ chồng anh được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới và 20 triệu đồng mua 1 con trâu về nuôi. Có nhà mới, lại có con trâu nái, năm 2023 gia đình mình đã thoát nghèo rồi, giờ thì tập trung làm ăn để nâng cao đời sống…

Không chỉ xã Cúc Đường, mà nhiều địa phương khác của huyện Võ Nhai cũng đang có những bước khởi sắc đáng kể thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân.

Đơn cử như dự án “Bảo tồn các giống lúa đặc sản của địa phương kết hợp với sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại các xã sản xuất lúa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đang được thực hiện tại 2 xã Dân Tiến và Bình Long với quy mô 3ha.

 Người dân được hỗ trợ 60 tấn phân bón hữu cơ thực hiện dự án bảo tồn giống lúa đặc sản địa phương

Người dân được hỗ trợ 60 tấn phân bón hữu cơ thực hiện dự án bảo tồn giống lúa đặc sản địa phương

Bà Đặng Thị Hiếu, giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết: Đây là năm thứ 3 thực hiện dự án, đã nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm chất lượng có giá trị kinh tế cao và đáp ứng yêu cầu hiện nay. Góp phần thực hiện thắng lợi “Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, huyện Võ Nhai đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Xanh, Trưởng xóm Nhâu, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai chia sẻ: Trước đây, bà con trong xóm chủ yếu trồng ngô, cấy lúa nhưng do đất canh tác eo hẹp lại hạn chế về trình độ canh tác nên thu nhập không đáng kể.

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân nên bà con có điều kiện, kiến thức để phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với cây chè. Đến nay, cả xóm đã có trên 60ha chè đang cho thu hoạch.

Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn huyện Võ Nhai còn 3600 hộ, chiếm 20,29%, số hộ cận nghèo gần 1.400 hộ, chiếm 7,71%.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3% trở lên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

 Cây Na là một trong những cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo tại địa phương

Cây Na là một trong những cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo tại địa phương

Huyện Võ Nhai tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư theo phân kỳ giai đoạn 2022-2025.

Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, UBND huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, điều tra, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm tính minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng...

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp, tiến tới sản xuất các sản phẩm hàng hóa an toàn, có sức cạnh tranh cao, đầu ra ổn định... coi đây chính là bước đột phá trong công tác thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại địa phương...

Được biết, trong những năm qua, cùng với việc quan tâm hỗ trợ tạo sinh kế, ổn định cuộc sống cho người dân, huyện Võ Nhai cũng quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương...

Xuân Thắng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-can-cau-de-thoat-ngheo-post691825.html