Trao cho trẻ hứng thú đọc sách
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, sách mang rất nhiều lợi ích trong việc phát triển khả năng nhận thức, kĩ năng và niềm vui cho trẻ em.
Trẻ em đọc thường xuyên hơn trong những năm tháng đầu đời về sau sẽ có kết quả học tập cao hơn so với các trẻ em không đọc thường xuyên. Bởi việc đọc, trải nghiệm sách kể cả với mục tiêu giải trí có mối liên hệ chặt chẽ đến sự phát triển đa nhận thức, năng lực ngôn ngữ, toán học và các kĩ năng cảm xúc xã hội của trẻ em.
Lần đầu tiên Việt Nam có thư viện số miễn phí dành cho trẻ em
Nghiên cứu trên không chỉ đúng với sách giấy in truyền thống mà còn cả sách kĩ thuật số. Nghiên cứu của Courage (2019) chỉ ra, mặc dù không thay thế được hoàn toàn vai trò của sách in, nhưng sách điện tử vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ hội tiếp cận, tăng thời lượng tiếp xúc và đọc sách của trẻ em. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sách điện tử thu hút được sự chú ý và sự tham gia của học sinh nhiều hơn, nếu khai thác đúng cách sẽ phát huy được sự tập trung, tính tương tác cũng như đạt hiệu quả cao.
Ý nghĩa và vai trò của việc đọc sách, trong đó có sách điện tử đối với trẻ em là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn sách đọc miễn phí cho trẻ em khá hạn chế. Việc tiếp cận các sách, trong đó có sách điện tử đang phụ thuộc nhiều vào điều kiện, môi trường sống và học tập của các em.
Từ thực tế này, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) Việt Nam đã hợp tác với Thư viện số Toàn cầu (Global Digital Library) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) thực hiện dự án “Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam” mang đến hàng nghìn sản phẩm sách chất lượng cao ở các ngôn ngữ và định dạng với mục tiêu tăng cường cơ hội đọc sách miễn phí, chất lượng cao cho tất cả các trẻ em Việt Nam.
Đây là dự án được Chính phủ Na Uy tài trợ nằm trong các sáng kiến về hàng hóa công kỹ thuật số (Digital Public Goods) với mô hình phần mềm mã nguồn mở, dữ liệu mở và thiết kế đảm bảo quyền riêng tư và an toàn thông tin cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Dự án này nằm trong lộ trình Hợp tác số của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, nhấn mạnh vai trò của Liên minh Hàng hóa Công số (DGPA), một sáng kiến đa phương tạo điều kiện sử dụng, xây dựng, tìm kiếm và đầu tư vào hàng hóa công số.
Tháng 9/2022, sản phẩm của dự án “Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam” bao gồm hơn 3.000 sách ở các ngôn ngữ/định dạng, 40 video ngôn ngữ kí hiệu và 50 sách thực tế tăng cường sẽ chính thức đã được ra mắt. Hơn 3.000 sản phẩm sách ở các định dạng và ngôn ngữ khác nhau, trong đó tập trung vào Tiếng Việt, tám ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam bao gồm: Ba Na, Chăm, Ê Đê, Gia Rai, Khmer, Mơ Nông, H’Mông, Thái cùng tiếng Anh và ngôn ngữ kí hiệu. Người đọc có thể truy cập vào trang web Thư viện số quốc tế toàn cầu (Global Digital Library) hoặc tải ứng dụng đọc sách về để trải nghiệm.
Với các sản phẩm của dự án, trẻ em có thể thỏa thích đọc, nghe truyện, cũng như xem và tương tác với các sách có gắn các yếu tố thực tế tăng cường. Trẻ em khiếm thính cũng có cơ hội đọc trải nghiệm qua các video sách ngôn ngữ kí hiệu thú vị. Các sách, truyện trong thư viện được chọn lọc từ kho truyện thiếu nhi từ các nhà xuất bản uy tín trong nước và thế giới.
Với mục tiêu tốt đẹp và ý nghĩa nhân văn, dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, phòng giáo dục cũng như các tổ chức giáo dục và xã hội khác. GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm dự án cho biết, đây là dự án ý nghĩa khi lần đầu tiên tại Việt Nam có một nguồn thư viện miễn phí, chất lượng cao dành cho tất cả các bạn nhỏ, đặc biệt là các em nhỏ dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật.
Theo TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sản phẩm của dự án thư viện số với trang web và ứng dụng đọc sách đa dạng, hấp dẫn, miễn phí sẽ tạo cơ hội cho nhiều trẻ em được đọc sách, đặc biệt là trẻ em dân tộc, trẻ em vùng khó khăn. Sản phẩm sách chất lượng cao, miễn phí sẽ góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách sôi nổi. Không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh, giáo viên và nhà trường đều có thể tham gia.
Bà Lê Anh Lan - Quyền Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF Việt Nam chia sẻ, thông qua dự án, UNICEF mong muốn thúc đẩy quyền được tiếp cận sách có chất lượng của mọi trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật.
Đổi mới hoạt động thư viện nhằm phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
Ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.
Theo Chỉ thị, để kịp thời khắc phục những hạn chế như: môi trường đọc cho thiếu nhi ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa thực sự phù hợp và thuận lợi trong tiếp cận thông tin; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao và bền vững, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào; chưa thực sự chú trọng việc hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là việc phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời…,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VH,TT&DL tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn; chủ trì hoặc phối hợp triển khai các văn bản liên quan đến phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động, phong trào đọc chủ động, thường xuyên, cũng như hình thành xu hướng đọc trong thiếu nhi, trọng tâm là nâng cao kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin.
Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.
Tôn vinh những tấm gương ham đọc, ham học; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, các sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.
Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính nghiên cứu việc đề xuất chính sách khuyến khích, thu hút phù hợp cho người làm công tác thư viện phục vụ thiếu nhi, nhất là tại miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn…
Thư viện lưu động đưa sách đến vùng sâu, vùng xa
Thư viện lưu động phục vụ lưu thiếu nhi cũng là một hướng đi mới trong việc đổi mới phương thức phục vụ thiếu nhi trong kỳ nghỉ hè. Bằng những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện sách đã đến gần hơn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn khi điều kiện được tiếp cận sách, báo chưa nhiều. Các thư viện tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, An Giang, Cà Mau, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương hiện đang có xe thư viện đa lưu động đa phương tiện đều tích cực triển khai hoạt động phục vụ lưu động cho thiếu nhi tại các điểm sinh hoạt hè. Mỗi xe thư viện lưu động có hơn 3.000 cuốn sách, máy tính xách tay và máy chủ, máy chiếu, vô tuyến, tài liệu điện tử, sách nói và cả các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị. Mỗi chuyến xe không chỉ mang kiến thức, công nghệ thông tin mà còn mang cả niềm vui, niềm hy vọng đến với các em.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trao-cho-tre-hung-thu-doc-sach-post458347.html