Trao cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tạo dư địa để phát triển

Quốc hội sáng 22/10 đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế. Đề xuất này, sẽ tạo dư địa cho các địa phương phát triển.

Sáng 22/10, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Cơ chế tài chính phải phù hợp với khả năng của ngân sách

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại một số nghị quyết về xây dựng và phát triển các tỉnh nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo các nghị quyết của Quốc hội được xây dựng nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi. Cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo nghị quyết tại Quốc hội. Ảnh: QH

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm ủy ban Nguyễn Phú Cường cho biết , ủy ban nhất trí về việc Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Đáng lưu ý, việc ban hành chính sách đặc thù này phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định. Đồng thời, việc này nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương.

Dự thảo nghị quyết đề xuất một số chính sách liên quan đến dư nợ vay; về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; về định mức chi thường xuyên; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; về quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất.

Về chính sách dư nợ vay, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của các tỉnh, thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định.

Thẩm tra vấn đề này, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều nhất trí với dự thảo nghị quyết và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021 - 2025 tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3%GDP.

Thêm nhiều cơ chế đặc thù về tài chính

Một trong những vấn đề được quan tâm đó là quy định về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Theo dự thảo nghị quyết, đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Với tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An, hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Thẩm tra về vấn đề này, đối với Hải Phòng, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự thảo nghị quyết. Do vậy, đề nghị quy định như Nghị định 89/2017/NĐ-CP mà thành phố Hải Phòng đang được hưởng.

Đối với các địa phương còn lại, đa số ý kiến tán thành với quy định này nhằm góp phần bổ sung thêm nguồn lực cho các địa phương này phát triển. Như trường hợp đối với Thanh Hóa, việc bổ sung nguồn lực để góp phần hoàn thành việc di dân tái định cư, tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án.

Về định mức chi thường xuyên, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện nghị quyết này.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với quy định nêu trên, vì đây là cơ chế đã được quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Tại dự thảo nghị quyết, đã đề xuất thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn các địa phương nêu trên. Ví dụ như tại Hải Phòng và Thanh Hóa, HĐND thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, thành phố.

Hay như tại Thừa Thiên - Huế, phí tham quan di tích trên địa được thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Theo đề xuất của Chính phủ, việc thí điểm chính sách phí, lệ phí phải đảm bảo có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của địa phương; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh./.

Chính phủ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An Chính sách đặc thù của địa phương nên phải tự chủ động nguồn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trao-co-che-dac-thu-cho-mot-so-dia-phuong-tao-du-dia-de-phat-trien-93958.html