Trao cơ hội cho sinh viên vùng biên giới, DTTS

Trường Cao đẳng Hà Nội sẽ tặng học phí đặc biệt cho sinh viên mới có hộ khẩu ở vùng biên giới,vùng dân tộc thiểu số.

Cán bộ giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.

Cán bộ giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.

Mang cơ hội cho học sinh dân tộc

Theo thông tin từ Trường Cao đẳng Hà Nội, năm học 2023 – 2024,30 sinh viên có hộ khẩu cư trú ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nhà trường trao tặng toàn bộ học phí 3 năm học. Những trường hợp này, nhà trường sẽ gửi văn bản về địa phương để địa phương có phương án lựa chọn và đề xuất.

Riêng các sinh viên khác cư trú ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số sẽ được trao tặng 40% học phí trong toàn khóa học 3 năm tại trường.

Theo ông Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Cao đẳng Hà Nội cho biết: “Năm nay, kinh tế khó khăn, nhiều người bị mất việc làm, giảm thu nhập ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì khó khăn này còn nhân lên gấp nhiều lần.

Chúng tôi thấu hiểu, đồng cảm với nỗi lo tài chính của những gia đình có con em sắp bước vào ngưỡng cửa các trường cao đẳng, đại học và thực lòng mong muốn được chia sẻ một phần gánh nặng kinh tế với các bậc phụ huynh, trao cơ hội học tập cho các em, để không em sinh viên nào có khát khao học nghề mà bị bỏ lại phía sau”.

Vì thế, nếu được trao cơ hội, khi ra trường, các thế hệ sinh viên của nhà trường sẽ bổ sung nguồn nhân lực lớn cho y tế tuyến cơ sở - hiện còn đang rất thiếu ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao.

“Trao tặng học phí đặc biệt cho sinh viên vùng sâu vùng biên giới trong năm học này, nhà trường mong muốn được tri ân đồng bào vùng biên đã và đang cùng các chiến sĩ biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc” – Ông Thịnh tâm sự.

Đối với sinh viên mới có hộ khẩu Hà Nội, nhà trường sẽ tặng 30% học phí học kỳ 1. Những sinh viên được hưởng chế độ học bổng này, trong quá trình học sẽ được xét kết quả học tập để được hưởng các chế độ học bổng theo quy định của nhà trường ở các kỳ học.

Các thiết bị hiện đại được đưa vào.

Các thiết bị hiện đại được đưa vào.

Nếu sinh viên có kết quả học tập 3 năm THPT đạt từ 8.0 - 9.0 sẽ được tặng toàn bộ học phí học kỳ 1 và tặng tiếp các kỳ học tiếp theo nếu đạt điểm tổng kết 8.0 trở lên.

Nếu sinh viên có kết quả học tập 3 năm THPT đạt từ trên 9.0 trở lên sẽ được tặng toàn bộ học phí năm thứ nhất tại trường chúng tôi và các em sẽ được xét học bổng tiếp theo, theo quy định của nhà trường.

Nỗ lực để phấn đấu

Với bất kỳ một sinh viên nào ở vùng cao, gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi được hỗ trợ đó sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu.

Nông Thị Quỳnh, sinh viên đang theo học ngành điều dưỡng chia sẻ: “Thực sự nghe thông báo của trường như những học sinh vùng cao sẽ có thêm động lực viết tiếp ước mơ của mình. Em sinh ra vùng cao, em hiểu rất nhiều bạn của em vì học phí, chi phí sinh hoạt ở bậc đại học cao nên không dám mơ ước đến cánh cổng trường đại học, cao đẳng”.

Cũng giống như Nông Thị Quỳnh, Vy Văn Thuần (Lộc Bình, Lạng Sơn) chia sẻ: “Em đang xem xét học ngành điều dưỡng do vậy đây cũng là cơ hội để tham khảo và lựa chọn để nộp hồ sơ”.

Trường Cao đẳng Hà Nội hiện đào tạo 4 ngành trong khối ngành về sức khỏe, đó là: Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Với phương thức đào tạo chú trọng thực hành, thời lượng lên tới 70%, sinh viên nhà trường có cơ hội lớn để rèn kỹ năng và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tế, bắt nhịp nhanh với công việc sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, nhân lực y tế luôn là nút thắt của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Thống kê mới nhất năm 2018 của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá, những con số này bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực y tế tế ở các tuyến trên toàn quốc.

Đức Duy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-co-hoi-cho-sinh-vien-vung-bien-gioi-dtts-post646011.html