Trao cơ hội thoát nghèo từ chương trình 'Ngân hàng bò'

Là mô hình sáng tạo, có hiệu quả thiết thực, giúp người được thụ hưởng có thêm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, hơn 10 năm qua, 'Ngân hàng bò' của Hội Chữ thập đỏ đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, qua đó trao thêm cơ hội thoát nghèo cho những người dân vùng khó.

 Chương trình “Ngân hàng bò” giúp các hộ khó khăn ở vùng cao có thêm điều kiện để phát triển kinh tế- Ảnh: T.L

Chương trình “Ngân hàng bò” giúp các hộ khó khăn ở vùng cao có thêm điều kiện để phát triển kinh tế- Ảnh: T.L

Với thông điệp “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, năm 2013, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ 110 con bò giống sinh sản cho 110 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa với tổng kinh phí 880 triệu đồng (8 triệu đồng/con bò giống), địa phương đối ứng 220 triệu đồng (2 triệu đồng/con bò giống). Đến năm 2018, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ 20 con bò giống cho 20 hộ dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa với tổng trị giá 200 triệu đồng.

Để đảm bảo công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò có hiệu quả, ban quản lý “Ngân hàng bò” các huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Chăn nuôi - Thú y địa phương tổ chức các khóa tập huấn về cách quản lý và kỹ thuật chăn nuôi bò cho hộ gia đình hưởng lợi. Đồng thời lồng ghép tổ chức các cuộc họp dân tại các đơn vị hưởng lợi để hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh và phổ biến quy chế tổ chức và hoạt động của chương trình “Ngân hàng bò” đến tận mỗi người dân. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh được tăng cường, người dân nghiêm túc thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của chương trình đề ra. Nhiều hộ gia đình đã ý thức được mục đích, hiệu quả của chương trình để tập trung đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ đàn bò.

Để chương trình phát huy hiệu quả tại các địa phương, hằng năm, ban quản lý “Ngân hàng bò” tại các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, họp dân tổ chức bình xét và lập danh sách hộ nghèo hưởng lợi kế cận để có cơ sở tổ chức luân chuyển bò giống kịp thời, đúng thời gian quy định, đảm bảo sự công bằng lợi ích của người dân cũng như tính bền vững của dự án. Nhờ vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình “Ngân hàng bò” đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân các xã vùng cao, đến nay đã có 89 hộ gia đình hưởng lợi thoát nghèo bền vững; 21/437 hộ cận nghèo nhận được hỗ trợ và tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình “Ngân hàng bò”, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Hà cho biết thêm: “Mức độ phát triển “Ngân hàng bò” trong 10 năm qua được duy trì khá ổn định, nhận thức của người dân trong việc chăm sóc, phát triển “Ngân hàng bò” được nâng lên đáng kể. Thông qua chương trình đã làm thay đổi diện mạo đời sống của người dân nghèo, nhiều hộ khó khăn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Từ những kết quả đạt được cho thấy, “Ngân hàng bò” thực sự là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự sẻ chia, chung tay của cả cộng đồng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong thực hiện chương trình “Ngân hàng bò”. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hướng Hóa Nguyễn Văn Minh trăn trở: “Cái khó lớn nhất mà chúng tôi gặp phải trong quá trình triển khai chương trình đó là việc thực hiện chuyển giao bò giống. Mặc dù được tuyên truyền, tập huấn rõ quy chế tổ chức và hoạt động của chương trình “Ngân hàng bò” rồi tổ chức cho các hộ hưởng lợi ký cam kết chuyển giao nhưng còn nhiều hộ chưa thực hiện nghiêm túc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình. Bên cạnh đó, do trên địa bàn tỉnh có nhiều tổ chức thực hiện hỗ trợ bò giống cho người dân với phương thức tặng bò không chuyển giao và hỗ trợ mua bò giống với giá rất cao, từ đó làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi nhận bò giống từ chương trình “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ”.

Bên cạnh đó, do chương trình “Ngân hàng bò” được triển khai chủ yếu là các xã biên giới có địa bàn rộng; công tác phối hợp tổ chức thực hiện giữa các ban, ngành, đoàn thể còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra giám sát thực tế chưa được thực hiện nghiêm túc nên dẫn đến tình trạng một số hộ khai báo sai, tự động bán bò, gửi bò, đổi bò, luân chuyển bò sai so với quy chế, quy định. Cùng với đó, ban quản lý “Ngân hàng bò” chưa xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế hoạt động đã đề ra; chưa chủ động tổ chức luân chuyển bê cái cho đối tượng là hộ hưởng lợi kế cận và tổ chức thanh lý bán đấu giá bê đực đã đến kỳ hạn và quá hạn đúng quy định… Một số hộ dân hưởng lợi từ chương trình chưa quan tâm đến khâu xây dựng chuồng trại cũng như công tác phòng chống dịch bệnh, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn bò, dẫn đến số lượng bò thất thoát còn nhiều…

“Để chương trình “Ngân hàng bò” tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, đề nghị UBND các huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí để ban quản lý dự án tổ chức các khóa truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình; về cách quản lý và kỹ thuật chăn nuôi bò, cách phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời tiếp tục phổ biến quy chế tổ chức và hoạt động của chương trình “Ngân hàng bò” đến tận người dân”, ông Nguyễn Hà thông tin thêm.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157102&title=trao-co-hoi-thoat-ngheo-tu-chuong-trinh-%E2%80%9Cngan-hang-bo%E2%80%9D