Trao đổi cấp cao trực tiếp có vai trò quan trọng dẫn dắt và định hướng quan hệ Việt Nam-Campuchia

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa các nước láng giềng, trong đó có Vương quốc Campuchia; cũng như thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đoàn đại biểu Hội Phụ nữ Campuchia và Lào, tháng 7/2024. (Nguồn: ĐBND)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đoàn đại biểu Hội Phụ nữ Campuchia và Lào, tháng 7/2024. (Nguồn: ĐBND)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình từ ngày 21 - 24/11.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm đối với việc giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia mãi trường tồn.

Xin Đại sứ chia sẻ ý nghĩa và những trọng tâm chính trong chuyến thăm chính thức Campuchia lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn?

Chuyến thăm tới Campuchia lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn diễn ra trong bối cảnh, năm 2024, hai nước có một số sự kiện rất quan trọng, đó là: Kỷ niệm 45 năm chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/20204), 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954-7/5/2024) và ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương (21/7/1954-21/7/2024) và 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2024). Đây cũng là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia đầu tiên của đồng chí Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia)

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia)

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn còn thay mặt Đảng và Quốc hội ta dự hai hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức tại Vương quốc Campuchia, đó là Hội nghị các chính đảng châu Á (ICAPP) và Hội nghị nghị viện quốc tế vì khoan dung và hòa bình (IPTP).

Điều đó một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa các nước láng giềng, trong đó có Vương quốc Campuchia; cũng như thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.

Trong khuôn khổ chuyến thăm song phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary; yết kiến Quốc vương Norodom Sihamoni và Hoàng Thái hậu Norodom Moninieth Sihanouk; có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadey Hun Manet, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam Samdech Men Sam An; thăm nguyên Chủ tịch Quốc hội Samdech Moha Ponhea Chakrey Heng Sam Rin; cùng người đồng cấp Samdech Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà mới của Quốc hội Campuchia - công trình quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trị giá 25 triệu USD.

Tôi cho rằng chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tiếp tục củng cố, vun đắp, mở rộng, tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; đồng thời tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Đại sứ đánh giá như thế nào về nhịp độ trao đổi đoàn cấp cao Việt Nam-Campuchia trong thời gian qua và ý nghĩa đối với sự phát triển, gần gũi, tin cậy của quan hệ song phương?

Trong quan hệ song phương thời gian qua, các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên. Gần đây nhất vào tháng 7, Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Chủ tịch nước) đã có chuyến thăm cấp nhà nước Campuchia.

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Moha Rathsapheathika Thipadei Khuon Sodary đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 12/2023. Và theo lịch trình dự kiến, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Có thể nói, các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hai nước luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc dẫn dắt và định hướng cho quan hệ giữa hai nước.

Thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đạt được nhiều thỏa thuận chiến lược định hướng cho tổng thể quan hệ. Hai bên cũng khẳng định tôn trọng và thực thi đầy đủ các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết, quyết tâm xây dựng quan hệ theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia mãi trường tồn.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chúc mừng Quốc khánh Vương quốc Campuchia tại Đại sứ quán Campuchia tại Hà Nội ngày 7/11. (Ảnh: Anh Sơn)

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chúc mừng Quốc khánh Vương quốc Campuchia tại Đại sứ quán Campuchia tại Hà Nội ngày 7/11. (Ảnh: Anh Sơn)

Theo Đại sứ, hợp tác nghị viện song phương Việt Nam-Campuchia cũng như hợp tác nghị viện đa phương khu vực và quốc tế đóng vai trò như thế nào đối với bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định trong bối cảnh hiện nay?

Về quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội, Thượng viện Campuchia vẫn duy trì, không ngừng phát triển mối quan hệ hợp tác hiện có. Dưới sự lãnh đạo của tân Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen và tân Chủ tịch Quốc hội Samdech Rasaphia thika Thipadey Khuon Sudary, hai cơ quan lập pháp của Campuchia đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Quốc hội Việt Nam.

Bên cạnh hợp tác song phương, nghị viện hai nước còn thường xuyên hợp tác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế: AIPA, IPU, APPF… Thông qua các hoạt động hợp tác các song phương và đa phương, nghị viện các nước đã thường xuyên phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia vào các vấn đề toàn cầu và khu vực, đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng luật pháp, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận quốc tế, qua đó góp phần vào hòa bình, ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trao-doi-cap-cao-truc-tiep-co-vai-tro-quan-trong-dan-dat-va-dinh-huong-quan-he-viet-nam-campuchia-294286.html