Trao đổi kinh nghiệm kết nối việc làm, cung ứng lao động tại tỉnh Bình Dương
Ngày 3-3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm kết nối việc làm, cung ứng lao động tại tỉnh Bình Dương. Đồng chí Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh làm trưởng đoàn.
Với đặc điểm là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào. Hàng năm, Thanh Hóa có từ 20.000- 25.000 người đến tuổi lao động, cùng với số quân nhân, công an hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, số học sinh tốt nghiệp đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường về tỉnh tìm việc làm, lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nhu cầu việc làm, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước; số lao động thất nghiệp ở thành thị, thiếu việc làm ở nông thôn thì nguồn cung lao động của tỉnh là rất lớn. Mỗi năm khoảng 60.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm. Do cung lao động của tỉnh luôn ở mức cao, nội lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu giải quyết việc làm của người lao động nên hàng năm Thanh Hóa có hàng chục nghìn lao động di chuyển vào các khu công nghiệp và các tỉnh phía Bắc, phía Nam tìm việc làm.
Hiện nay, người Thanh Hóa đang lưu trú ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước là trên 330.800 người; chủ yếu là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15-35 tuổi (chiếm 65%), lao động nữ chiếm trên 50%. Người lao động chủ yếu hành nghề tự do hoặc làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như: điện tử, may mặc, giày da... tại các thành phố lớn như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Dương…
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đoàn công tác của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã được thông tin về tình hình hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương; chia sẻ kinh nghiệm, các phương thức cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn về giải quyết việc làm cũng như vai trò của Trung tâm trong việc khai thác các thông tin về lao động, việc làm tại các địa phương, doanh nghiệp (người lao động địa phương, thông tin tuyển dụng, biến động lao động...). Từ đó nâng cao hiệu quả công tác kết nối việc làm, cung ứng lao động, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, công tác đào tạo nghề cho lao động bảo hiểm thất nghiệp…, giúp người lao động tiếp cận được nguồn thông tin thị trường chính xác, đa dạng, giải quyết việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định, nhằm bảo đảm an sinh xã hội.