Trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế
Ngày 2.8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan.
Tại chương trình làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng thông tin về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương trong 6 tháng năm 2024 cùng những định hướng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, Tây Ninh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, kinh tế tăng trưởng tích cực với mức tăng ước đạt 7,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,07%), Tây Ninh đứng thứ 1 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam bộ. Nổi bật, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 3,4 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.845 tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng, như: hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị và dụng dụng cụ khác. Kim ngạch nhập khẩu đạt 2,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 58.514 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 5.469 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 160,4 triệu USD. Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 357 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 3.968 tỷ đồng.
Đến 30.6.2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.282 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch Thủ tướng giao, đạt 30,2% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, chuyển đổi trong xuất nhập khẩu và logistics, Tây Ninh luôn nỗ lực nâng cấp, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, như: đối ngoại; du lịch, văn hóa và thể thao; khoa học và công nghệ; chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics; công tác xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics; xúc tiến phát triển thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng...
Đến nay, Tây Ninh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 6 tỉnh, thành phố nước ngoài; trong đó, tỉnh đã ký 2 Thỏa thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc và 4 Thỏa thuận hợp tác với các tỉnh thuộc Campuchia.
Thay mặt Đoàn công tác của thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của tỉnh Tây Ninh dành cho đoàn. Ông thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn thành phố tăng 10,32% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,24%; tổng thu NSNN đạt trên 60.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,2 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,55 tỷ USD.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và thành phố Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm tại UBND tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Tâm Giang)
Với vị trí địa chính trị - địa kinh tế đặc biệt, là đô thị cảng biển trọng yếu trong vùng Duyên hải Bắc Bộ với 126 km bờ biển, hội tụ 5 loại hình giao thông, hoạt động của dịch vụ logistics của thành phố Hải Phòng đã phát huy vai trò và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố, tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 20-23%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố 13-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25-30%.
Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng chiếm khoảng 23% sản lượng hàng hóa qua cảng Việt Nam; cảng hàng không quốc tế Cát Bi có công suất vận tải hành khách 4 triệu lượt/năm và vận tải hàng hóa 4 triệu tấn/năm, trở thành cửa ngõ quốc tế về hàng không trong vùng.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành tỉnh Tây Ninh và thành phố Hải Phòng cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác hội nhập quốc tế; định hướng xúc tiến thương mại nội địa, giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại trực tuyến, xuất khẩu qua các nền tảng số; những mô hình, sáng kiến, giải pháp trong cải cách hành chính tại các địa phương; đồng thời thảo luận, nghiên cứu cơ chế hợp tác, phối hợp, kết nối liên thông giữa các địa phương trong lĩnh vực logistics; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của các địa phương với nhau.
Quốc lộ 22B, tuyến đường kết nối giữa tỉnh Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) thông qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Tâm Giang)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng bày tỏ mong muốn, hai địa phương tiếp tục gắn kết, cùng chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác thương mại, kết nối thông tin trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, logistics; tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ cảng và logistics; tăng cường giao lưu văn hóa và thể thao giữa hai địa phương và bạn bè quốc tế thông qua các sự kiện văn hóa và du lịch, các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
“Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh mong muốn tiếp tục hợp tác với thành phố Hải Phòng trên nhiều lĩnh vực sâu rộng hơn nữa, để góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội giữa hai địa phương”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nhấn mạnh.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng khảo sát thực tế các hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyên Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) (Ảnh: Việt Khoa)
Cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng có chuyến khảo sát thực tế các hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và tham quan Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen.