Trao giải cho 20 dự án khởi nghiệp xuất sắc của học sinh, sinh viên

Giải Nhất khối sinh viên là Dự án 'Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì' của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Dự án 'Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ' giành Giải Nhất khối học sinh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại biểu tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại biểu tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Khép lại vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 sau hai ngày diễn ra (21-22/12), trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh, sinh viên năm 2020, Ban Tổ chức đã trao 20 giải thưởng cho các dự án xuất sắc thuộc khối sinh viên và học sinh gồm Hai giải Nhất, bốn giải Nhì, sáu giải Ba, tám giải Khuyến khích.

Giải Nhất khối sinh viên thuộc về Dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì” của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải Nhất khối học sinh thuộc về Dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk.

Về cơ cấu giải thưởng, đối với các dự án của sinh viên, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền thưởng 60 triệu đồng tiền mặt; gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án với trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

Hai giải Nhì gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền thưởng 40 triệu đồng tiền mặt và cơ hội đầu tư từ các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; ba giải Ba, mỗi giải 20 triệu đồng; bốn giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh, một giải Nhất gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiền thưởng 30 triệu đồng. Hai giải Nhì gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền thưởng 20 triệu đồng. Ba giải Ba, mỗi giải 10 triệu đồng. Bốn giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, số lượng bài thi mà Ban tổ chức nhận được khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. Trong đó, 72 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi.

Nhiều dự án đã triển khai và bước đầu thành công, nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi, các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng, do đó sẽ có nhiều nhà đầu tư, quan tâm đến các dự án này.

Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020, hội thảo “Phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp và nội dung đào tạo khởi nghiệp trong các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, kinh nghiệm và giải pháp” diễn ra chiều 22/12 cũng đã thu hút sự quan tâm của các nhà trường và học sinh.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận, tìm giải pháp để thúc đẩy các câu lạc bộ khởi nghiệp trong nhà trường ngày càng phát triển mạnh hơn; lựa chọn nội dung cần bổ trợ cho học sinh và phương pháp thực hiện để sớm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ngay từ các trường phổ thông, từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi tạo những ý tưởng sáng tạo tại các nhà trường.

Thực tế cho thấy, hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai giáo dục khởi nghiệp tại các nhà trường. Bởi vấn đề nhận thức, vấn đề nội dung chương trình vẫn còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn thiếu thực chất.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nói đến khởi nghiệp đối với các trường phổ thông cần 3 yếu tố: Phải có nội dung, chương trình đào tạo về tinh thần khởi nghiệp; học sinh cần được đào tạo các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp; cần tạo môi trường để học sinh có điều kiện khởi nghiệp./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trao-giai-cho-20-du-an-khoi-nghiep-xuat-sac-cua-hoc-sinh-sinh-vien/683804.vnp