Trao giải cuộc thi thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ huyện Đông Anh năm 2023
Ngày 24/10, Ban tổ chức cuộc thi 'Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ huyện Đông Anh năm 2023' đã tổ chức chương trình chung khảo và trao giải cho những nghệ nhân tham gia.
Thực hiện Kế hoạch số 194/2023/KH-UBND của UBND huyện Đông Anh về tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ huyện Đông Anh năm 2023, nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hội, nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế sản phẩm thủ công trên địa bàn huyện.
Đồng thời phát huy ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao vào đời sống xã hội tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có khả năng phát triển thương mại dịch vụ, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa người Đông Anh, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và phát triển tiểu thủ công nghiệp, du lịch đáp ứng xu thế phát triển hiện nay. Trước khi vào vòng chung khảo, sản phẩm đã phải trải qua các vòng sơ khảo. Theo đó, tại vòng chung khảo Ban tổ chức đã bình chọn được 24 sản phẩm xuất sắc của các nghệ nhân, thợ thủ công để trao giải.
Phát biểu tại cuộc thi chung khảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, từ sau khi UBND huyện ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi, công bố rộng rãi tại các xã, thị trấn và trên hệ thống phát thanh, truyền thanh toàn huyện, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được 59 sản phẩm tham gia tập thể, cá nhân trên địa bàn.
Các sản phẩm tham gia đều thể hiện rõ giá trị văn hóa truyền thống nghề của Đông Anh, Hà Nội. Sự sáng tạo ở mỗi sản phẩm được tạo ra trên nền tảng giá trị tinh hoa của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống lâu đời. Các nghệ nhân, thợ giỏi đã sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế, chế tác đã tạo ra những mẫu sản phẩm, tác phẩm vừa mang "hơi thở" hiện đại vừa có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, những hoa văn, họa tiết, hình khối và màu sắc độc đáo tạo sự đa dạng phong phú, ứng dụng trong nhiều mục đích sử dụng.
Ban tổ chức cuộc thi đã đánh mã số tất cả sản phẩm tham gia, tổ chức chấm sơ khảo trên cơ sở hồ sơ sản phẩm gửi về huyện; qua vòng sơ khảo đã có nhiều sản phẩm được đánh giá cao về mẫu mã mới, đẹp, ấn tượng, độc đáo, tiêu biểu, thân thiện với môi trường, góp phần đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nhất là các sản phẩm làm quà tặng phục vụ khách du lịch và ứng dụng, sử dụng trong thực tế đời sống.
Cuộc thi càng khẳng định thêm Đông Anh tự hào có nhiều làng nghề TCMN, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi, nhiều nhà thiết kế hàng TCMN góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
“Hiện nay, huyện Đông Anh đã có 20 nghệ nhân lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, trong đó có 1 nghệ nhân Nhân dân, 3 ưu tú. Trong năm 2023 huyện sẽ có thêm 1 nghệ nhân ưu tú, 3 nghệ nhân cấp TP Hà Nội. Cuộc thi càng khẳng định thêm Đông Anh tự hào có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, nhiều nghệ nhân, nhà thiết kế, thợ giỏi góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nói.
Theo đại diện Ban tổ chức, để cuộc thi đảm bảo công bằng và có tính chuyên môn, Ban tổ chức đã thành lập Ban Giám khảo thành viên là lãnh đạo một số phòng chuyên môn thuộc huyện, các chuyên gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của TP và cả nước, Hội nghề nghiệp liên quan. Những sản phẩm dự thi được đánh giá trên thang điểm 100 (gồm: tính sáng tạo, độc đáo; tính thẩm mỹ; tính truyền thống; tính thân thiện với môi trường; tính thương mại khả thi; phù hợp với hàng lưu niệm, quà tặng và giá thành hợp lý), số điểm đạt được của một sản phẩm là điểm trung bình cộng của những thành viên Ban giám khảo có phiếu hợp lệ.