Trao giải cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu' năm 2020
Ngày 17-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2020.
Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh…
Được phát động và nhận bài dự thi từ tháng 9-2020, Ban Tổ chức đã nhận được gần 80 nghìn bài dự thi của các tác giả từ khắp các vùng miền trên cả nước. Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một ký ức, một kỷ niệm về hình ảnh người thầy, được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện.
Kết quả, trong 143 tác phẩm vào vòng chung khảo, Ban tổ chức đã chọn ra 14 giải cá nhân và hai giải tập thể để trao giải, trong đó hai giải tập thể; một giải nhất; hai giải nhì; ba giải ba và tám giải khuyến khích.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy, cô và mái trường mến yêu” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 với 60 nghìn bài dự thi thì đến nay, số lượng bài dự thi đã lên tới gần 80 nghìn bài. Thành phần tác giả tham gia dự thi cũng hết sức phong phú, đến từ nhiều nghề khác nhau; trong đó có đội ngũ đông đảo là tác giả không chuyên, các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ sở giáo dục. Có rất nhiều bài dự thi là từ học sinh cũ viết về thầy cô giáo của mình.
Sự đón nhận, hưởng ứng này cho thấy, mái trường và các thầy giáo, cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân. Đây là sự động viên to lớn, tạo động lực cho ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách. GD-ĐT đang đứng trước yêu cầu mới, càng đòi hỏi cao hơn về năng lực, nhân cách đội ngũ. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần có sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội. Vì vậy, những hình ảnh đẹp về thầy cô và mái trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi cần được nhân rộng lan tỏa hơn nữa, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh
Là tác giả đoạt giải nhất của cuộc thi với tác phẩm “Cô Hiền”, giảng viên Học viện Chính trị Công an nhân dân Phan Thị Thu Trang chia sẻ: Đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, đúng theo tinh thần “lan tỏa những giá trị nhân văn”, “nối dài lòng tri ân các thế hệ nhà giáo”. Thầy giáo, cô giáo luôn là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cuộc đời mỗi người. Một người thầy vĩ đại không chỉ giỏi về kiến thức, không chỉ là người truyền cảm hứng trên bục giảng, mà còn luôn có trách nhiệm, niềm tin và sẵn sàng đồng hành với học sinh. Đó là những gì tôi thấy được từ Cô Hiền (cô giáo chủ nhiệm cấp 2) và đây cũng là mục tiêu để khi trở thành một giảng viên, bản thân luôn cố gắng để đạt được những điều tốt đẹp đó, góp sức mình xây dựng nền giáo dục quốc dân.
(Theo https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/trao-giai-cuoc-thi-viet-nhung-ky-niem-sau-sac-ve-thay-co-va-mai-truong-men-yeu-nam-2020-628433)