Trao giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Lễ trao Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được tổ chức chiều 17/12.
Đây là một trong những hoạt động truyền thông thuộc khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (Chương trình VNEEP3). Giải thưởng được Bộ Công Thương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công trong nhiều năm qua. Hằng năm, giải thưởng thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên, nhà báo từ Trung ương đến địa phương ở tất cả các loại hình báo chí khác nhau.
Giải thưởng nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc tiêu biểu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Trung ương và địa phương.
Theo số liệu thống kê, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 9,71%/năm trong giai đoạn 2010 – 2021. Dự báo nhu cầu về điện sẽ tiếp tục tăng mạnh với mức tăng trưởng tối thiểu 7% và có thể lên đến 11,5% theo phương án cơ sở. Với các kịch bản khác, tốc độ tăng nhu cầu có thể 12-13%, thậm chí lên đến 13,5-14% nếu nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao; ngay trong năm 2024, tổng sản lượng điện đã tăng 10,09%, dự báo 2025 là 10,5% với kịch bản tăng trưởng bình thường. Ngành năng lượng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hơn bao giờ hết, công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng cần phải được thực hiện mạnh mẽ.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này của Việt Nam. Tại Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong Kế hoạch này, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nền kinh tế và là giải pháp huy động nguồn lực của toàn xã hội cho mục tiêu phát ròng bằng 0 vào năm 2050 của quốc gia.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 hay Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ là những chỉ đạo, quyết sách, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, coi đây là những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phát triển bền vững nền kinh tế giai đoạn hiện nay.
Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc tiêu biểu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quả ở Trung ương và địa phương. Theo đó, Ban tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt, thể loại Truyền hình cho tác phẩm: "Lợi ích từ kiểm toán năng lượng của nhóm tác giả: Nguyễn Xuân Diệp, Nguyễn Thị Hà, Hoàng Phương Loan, Trần Thị Liễu - Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam.
Cùng đó, 4 giải Nhất đã được trao. Cụ thể, giải A thể loại Báo in được trao cho loạt 5 bài "Tổ quốc cần điện, như cơ thể cần máu" của nhóm tác giả: Trần Thị Hằng (Minh Hằng), Lê Thị Dung (Lê Dung) - Báo Thanh Hóa.
Giải A thể loại báo Điện tử được trao cho loạt 5 bài "Chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng hướng đến mục tiêu Netzero 2050" của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Chương, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Xuân Cơ, Phạm Thị Giang, Nguyễn Mạnh Quân, Nguyễn Hải An - Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Ở thể loại Truyền hình, giải A được trao cho tác phẩm "Tiết kiệm năng lượng thành thói quen" của nhóm tác giả: Hoàng Trọng Hiếu, Phan Thị Hải Lý, Phạm Thị Nhung, Phạm Thị Thanh Thúy, Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Xuân, Nguyễn Huy Đoàn Kênh VTC14, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.
Đối với thể loại Phát thanh, giải A thuộc về loạt 2 bài "Quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR): Giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn điện đang cần cơ chế" của tác giả Trần Bá Toàn - Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngoài ra, đã có 7 giải B, 13 giải C, 10 giải Khuyến khích đã được trao cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc ở các thể loại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định: Các tác phẩm được lựa chọn trao giải là những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh trung thực, sáng tạo các kết quả, thành tựu của công tác tiết kiệm năng lượng. Số lượng cũng như chất lượng của các tác phẩm năm nay cho thấy các cơ quan báo chí đã dành thời lượng đáng kể thông qua các hình thức phong phú, nội dung thiết thực để tuyên truyền, cổ vũ nhân dân nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 được phát động vào tháng 4/2024. Sau hơn 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương với gần 500 tác phẩm dự thi. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo cho thấy sự mức độ quan tâm của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng khẳng định: Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng giám khảo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấm giải công tâm, khách quan, lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất qua các vòng sơ khảo, chung khảo. Hội đồng sơ khảo lựa chọn 47 tác phẩm trong tổng số 492 tác phẩm gửi tham dự đủ điều kiện vào chấm chung khảo. Hội đồng chung khảo lựa chọn 35 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải với tổng giá trị giải thưởng 273 triệu đồng. Ban tổ chức hy vọng Giải thưởng sẽ cổ vũ, động viên các nhà báo phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực của mình để tiếp tục đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội hướng tới đưa Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050.