Trào lưu ấp trứng, nuôi vịt làm thú cưng trong những ngày giãn cách
Nuôi vịt làm thú cưng đã trở thành một trào lưu mới của các bậc phụ huynh và các em nhỏ trong đợt dịch bệnh kéo dài. Nhiều người ví von rằng vịt đã hóa 'thiên nga' trong những ngày giãn cách xã hội.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các em nhỏ không thể đến các khu vui chơi hay được gặp gỡ bạn bè mà phải ở trong nhà nên dễ cảm thấy bí bách. Để giúp con có niềm vui ở trong nhà những ngày "ai ở đâu ở yên đó,” nhiều bậc phụ huynh đã ấp trứng vịt để con mình có thú cưng đặc biệt làm bạn.
Nhờ việc dễ dàng tìm kiếm, thực hiện ấp trứng và chi phí rẻ nên những chú vịt bé xinh đáng yêu được nuôi làm thú cưng đang trở thành trào lưu của các gia đình có con nhỏ trong mùa dịch.
Khi vịt hóa “thiên nga”
Cho đến giờ, khi đã nuôi vịt được gần 2 tháng, chị Thu Ngân (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn cảm thấy khó tin vì chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày gia đình nuôi vịt ngay trong căn hộ chung cư của mình. Trong thời gian giãn cách xã hội này, gia đình chị Ngân đã nuôi lớn 2 chú vịt khiến những người xung quanh ai cũng trầm trồ.
Ban đầu, chị Ngân chiều con nên chỉ định ấp thử một quả trứng vịt, nhưng được vài ngày không thấy nở nên chị mua thêm một quả nữa. Thật bất ngờ khi kết quả là sau hơn 10 ngày thì cả hai quả trứng đều nở ra hai chú vịt con khỏe mạnh và thậm chí “lớn nhanh như thổi”.
"Những chú vịt con ngày còn bé được cu cậu nhà mình cho ăn nên cứ lẽo đẽo theo con trai khắp nhà mình như đàn con theo mẹ, ai nhìn thấy cũng phải phì cười," chị Ngân kể.
Kể từ khi ấp trứng, nuôi vịt đến nay cũng đã gần được 1 tháng, chị Đỗ Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ hai bé nhà chị vẫn rất hào hứng mỗi khi kể về việc chăm sóc những chú vịt con. Quá trình nuôi vịt đã đem lại cho hai cậu bé nhiều niềm vui trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách và cũng giúp các bé rèn luyện thêm tính trách nhiệm, có thêm kiến thức về động vật.
Suốt quá trình ấp trứng và nuôi vịt, hai cậu bé thường đặt câu hỏi mang tính khám phá như trong quả trứng có gì, quá trình biến đổi từ trứng thành vịt con như thế nào, thức ăn của vịt là gì, tại sao vịt bơi được mà gà không bơi được...
“Đến khi vịt chào đời, hai anh em rất vui và hào hứng lựa chọn mỗi người chăm sóc một con và đặt tên cho thú cưng mới gắn với tên ở nhà của hai anh em, vịt của anh Bon thì tên là Bonny, vịt của em Ken thì tên là Kenny,” chị Quỳnh kể.
Chị Quỳnh tiết lộ, từ khi được giao trọng trách chăm sóc hai chú vịt, hai bé nhà chị Quỳnh ít xem tivi, chơi điện thoại, không còn hay mè nheo nữa mà dành nhiều thời gian chơi cùng chúng, háo hức mỗi khi đến giờ cho chúng ăn và tắm. Thậm chí, cậu con trai 8 tuổi còn tự lên mạng học thêm cách chăm sóc, chuẩn bị đồ ăn cho vịt.
Sau khi đọc bài chia sẻ của các bậc phụ huynh trên mạng xã hội, chị Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang cho con gái 9 tuổi ấp 2 quả trứng vịt để chờ ngày nở ra vịt con. Chị Hương kể: “Con mình rất hào hứng, bé tự chuẩn bị thùng giấy, khăn, đèn để ấp trứng. Đã gần một tuần vịt vẫn chưa nở nhưng ngày nào bé cũng ngóng và lấy trứng sờ xem ấm hay lạnh, chỉ lo trứng không phát triển thành vịt con.”
Giãn cách xã hội khiến cả gia đình có nhiều thời gian bên nhau để có thêm những trải nghiệm mới và nuôi vịt là một trong những trải nghiệm đáng nhớ đó. Những chú vịt con được nâng niu, chăm sóc, coi như thú cưng trong gia đình khiến nhiều người ví von rằng đúng là vịt hóa "thiên nga" trong những ngày giãn cách xã hội.
Đi thì khóc mà ở cũng dở
Những chú vịt con luôn rất đáng yêu lúc nhỏ nhưng khi ngày càng lớn thì chúng cũng là một phiền toái lớn đối với những gia đình không có không gian rộng rãi. Những chú vịt lớn ồn ào và việc vệ sinh của chúng cũng trở thành vấn đề đối với những người chăm sóc.
Chị Ngân chia sẻ khi những chú vịt lớn thì gia đình chị phải nhốt vào nhà vệ sinh, hàng ngày mỗi khi cho chúng vào nhà chơi thì chị sẽ đóng “bỉm” tự chế cho vịt để yên tâm khi chúng đi lại trong nhà.
Không phải gia đình nào cũng có thể tiếp tục nuôi những chú vịt như là thú cưng lâu dài. Ngay khi con bắt đầu năm học mới, việc học chiếm nhiều thời gian và vịt con lớn cũng phát sinh nhiều phiền toái hơn trong ăn uống và vệ sinh nên mặc dù hai bé ở nhà rất buồn chị Quỳnh vẫn phải gửi gắm 2 chú vịt sang nhà một người họ hàng có sân vườn sẽ tiện chăm sóc hơn.
Chị Ngân cũng chia sẻ: “Do vẫn chưa hết giãn cách xã hội nên gia đình vẫn tiếp tục nuôi vịt, chưa thể cho đi đâu được nhưng khi vịt lớn thì chắc có lẽ không thể tiếp tục nuôi ở chung cư.”
Trải nghiệm thời gian ấp trứng, nuôi vịt của nhiều gia đình trong thời gian giãn cách xã hội đã để lại những khoảng khắc vui vẻ, đáng nhớ và khó quên với các thành viên trong gia đình. Và khi cho những chú vịt đi thì các em nhỏ sẽ khóc và buồn, nhưng để lại nuôi thì cũng khó khả thi với nhiều gia đình.
Một bài biết chia sẻ câu chuyện từ ấp trứng vịt đến nuôi vịt con của con trai 2 tuổi trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội được đăng tải trên mạng xã hội đã có hơn 15.000 lượt thích và hơn 3.000 lượt bình luận. Rất nhiều người khi bình luận cũng đã chia sẻ hình ảnh, câu chuyện về trải nghiệm nuôi vịt trong thời gian giãn cách xã hội, một số khác thì hỏi về cách ấp trứng, nuôi vịt và chia sẻ kế hoạch thực hiện cho con. Có lẽ, đây đã trở thành một trào lưu mới của các bậc phụ huynh khi lựa chọn thú cưng cho con trong mùa dịch./.