Trào lưu 'dừng cống hiến cho công việc' của người trẻ

Nhiều người trẻ cho rằng nếu không được thăng chức hay tăng lương, không đáng để đánh đổi thời gian và công sức. Do đó, họ chọn làm việc vừa đủ và tự đặt ra giới hạn cho công việc.

Theo CNBC, trào lưu quiet quitting (tạm dịch: âm thầm nghỉ việc) đang được ngày càng nhiều người trẻ đón nhận. Cuộc khảo sát của ResumeBuilder.com chỉ ra 21% người lao động Mỹ cho biết đã ngừng cống hiến cho công việc.

Những người theo đuổi xu hướng quiet quitting không bỏ việc, nhưng họ chỉ làm việc vừa đủ và không có ý định phấn đấu thêm.

Khi ngày càng nhiều người tham gia, định nghĩa quiet quitting được sử dụng với những ý nghĩa khác nhau. "Với tôi, quiet quitting chỉ là đặt ra ranh giới cho công việc của mình", cô Amanda Henry nói với CNBC. Cô đã thực hiện một loạt video ngắn xoay quanh chủ đề này trên TikTok.

 Cô Daniella Flores quyết định quiet quitting khi đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại một công ty tài chính. Ảnh: CNBC.

Cô Daniella Flores quyết định quiet quitting khi đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại một công ty tài chính. Ảnh: CNBC.

"Tôi sẽ không làm việc quá sức nữa"

"Đối với một số người, nó có nghĩa là chỉ làm việc ở mức tối thiểu. Bởi đó là tất cả mà họ có thể cống hiến vào lúc này. Với những người khác, quiet quitting là không cháy hết mình", cô giải thích.

Trước khi quyết định quiet quitting, cô Daniella Flores làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại một công ty tài chính. Cuối cùng, cô bỏ việc hoàn toàn.

"Nhiều người làm việc trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ thông tin gặp phải điều này", cô Flores chia sẻ. Đến một thời điểm, cô Flores đã nhận ra việc làm việc quá sức là không đáng. Khi muốn được thăng chức và tăng lương, cô bị sếp gạt đi.

"Tôi sẽ không làm việc quá sức nữa", cô chia sẻ. Khi chuyển sang công ty mới, cô Flores nói trước với quản lý rằng mình chỉ làm việc trong một khoảng thời gian nhất định và cũng không muốn tham gia vào các cuộc họp không cần thiết.

 Cô Maggie Perkins, một giáo viên trung học 30 tuổi. Ảnh: CNBC.

Cô Maggie Perkins, một giáo viên trung học 30 tuổi. Ảnh: CNBC.

Thời gian làm việc của cô đã được rút ngắn còn 40-45 giờ/tuần. Trước đó, con số lên tới 50-60 giờ/tuần.

Cô Flores nghỉ việc hoàn toàn vào tháng 6 để dồn thời gian cho blog I Like To Dabble và thực hiện những dự án sáng tạo khác.

Cô Maggie Perkins, một giáo viên trung học 30 tuổi, bắt đầu quiet quitting sau khi sinh con đầu lòng vào năm 2021. Cô buộc phải đặt ra ranh giới giữa công việc và việc chăm sóc con.

"Trong lĩnh vực giáo dục, dù làm việc vượt mức yêu cầu, bạn cũng sẽ không được trả thêm tiền, thậm chí cũng không được ghi nhận", cô Perkins chia sẻ.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Merrimack năm 2022 với 1.324 giáo viên, một giáo viên thường phải làm việc trung bình 54 giờ mỗi tuần. "Tôi không cần phải làm việc tới 60 giờ", cô Perkins nói thêm.

Sau đó, cô quyết định nghỉ việc hoàn toàn vào năm 2020 để theo học bằng tiến sĩ về giáo dục ngôn ngữ. Cô Perkins cũng làm một loạt video về quiet quitting trên TikTok. Trong đó, cô khuyên mọi người đừng bao giờ mang công việc về nhà hay tự bỏ tiền túi cho công việc.

Dành thời gian cho bản thân

Với anh Clayton Farris, một content creator (nhà sáng tạo nội dung) sống ở Los Angeles, quiet quitting giúp ích cho sức khỏe tinh thần. "Nó cho phép tôi đặt những mối quan tâm khác lên trên công việc mà không thấy áy náy", anh chia sẻ.

Trước đó, anh luôn ở trong trạng thái lo lắng. Anh Farris sợ không kiếm được khách hàng mới, và tự hỏi liệu khách hàng của mình có hài lòng hay không. Dù chỉ phải làm việc 30 tiếng/tuần, anh gần như dành mọi thời gian để nghĩ về công việc. "Tôi thấy như thể mình làm việc 50 tiếng/tuần", anh Farris chia sẻ.

Nhưng anh đã quyết định thay đổi. "Giờ đây, sau khi gửi email và đợi phía bên kia trả lời, tôi sẽ gấp máy tính lại và ra biển", anh Farris chia sẻ.

"Quiet quitting là một cách để chăm sóc bản thân", anh khẳng định.

 Anh Clayton Farris, một content creator. Ảnh: Reuters.

Anh Clayton Farris, một content creator. Ảnh: Reuters.

Nhưng với một số người, việc đặt ra ranh giới là không dễ dàng. Theo cô Henry, 30 tuổi, không phải tất cả đều có thể tham gia vào trào lưu quiet quitting. Cô cho rằng mọi thứ khó khăn hơn với những lao động nữ da đen trong một số công ty Mỹ.

"Với chúng tôi, việc đặt ra ranh giới trở nên khó khăn hơn, bởi chúng tôi luôn phải chứng minh năng lực và làm việc vượt yêu cầu để được ghi nhận", cô cho biết.

Dù vậy, sau 8 năm tham gia thị trường lao động, cô Herry đã học được cách nghĩ cho bản thân nhiều hơn, đặt ranh giới giữa những gì sẽ và không làm.

Cô Henry hy vọng trong tương lai, tất cả đều có khả năng đưa ra những lựa chọn riêng cho công việc của mình.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-luu-dung-cong-hien-cho-cong-viec-cua-nguoi-tre-post1348000.html