Trào lưu hát lại nhạc Hoa lời Việt đang quay trở lại?
Thực tế những bản nhạc có yếu tố Hoa ngữ thường khá bắt tai và gợi về ký ức cũ nên dù đã là trào lưu cách đây hơn 30 năm nhưng lâu lâu lại nở rộ trong làng nhạc Vpop.
Một thời làm mưa làm gió của nhạc Hoa lời Việt
Nhiều ca sĩ của thế hệ trước từng là những người thành công với việc hát lại những bài hát Trung Quốc nhưng thay phần lời bằng tiếng Việt rồi biến tấu (hoặc không) để phù hợp với thị hiếu của thị trường trong nước. Nhìn chung, đây là thể loại từng “càn quét” khắp ba miền ở Việt Nam những năm cuối 1900 và đầu 2000.
Các ca sĩ thành danh với thể loại này có thể kể đến Ngọc Lan, Lâm Thúy Vân, Minh Thuận, Lam Trường, Đan Trường, ... Mỗi người đều có trong tay một hay một vài bản hit là các ca khúc nhạc Hoa lời Việt cho riêng mình. Đặc biệt, khi ấy văn hóa cantopop mang hơi hướng Hong Kong cũng nở rộ càng khiến giới trẻ say mê những bản nhạc “cover” này.
Lam Trường, Cẩm Ly, Đan Trường từng làm nên một thời vàng son cho nhạc Hoa lời Việt.
Có thể nói, mọi đầu báo, truyền thông, radio và thói quen nghe nhạc của người dân lúc bấy giờ luôn ưu tiên các bản nhạc Hoa lời Việt như “999 đóa hoa hồng”, “Người đến từ Triều Châu”, “Dù có là người tình”, “Mưa trên cuộc tình”, “Tình đơn phương”, “Dáng em”,…
Thành danh từ việc hát lại những ca khúc nhạc Hoa đã đưa tên tuổi của nhiều ca sĩ đến gần với khán giả hơn. Sau đó, khi các bài hát thuần Việt hơn ra đời như "Cây đàn sinh viên", "Hoang mang", "Trống vắng", "Tóc ngắn"... mới dần thay thế thể loại âm nhạc có yếu tố ngoại lai này. Các ca sĩ cũng dần quay về hát những sáng tác của nhạc sĩ trong nước khiến nhạc Hoa lời Việt trở nên im ắng thời gian dài.
Trào lưu nhạc Hoa lời Việt trở lại
Như một chu kỳ để làm mới và đa dạng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người Việt, gần đây nhạc Hoa lời Việt lại nổi lên phổ biến khắp các trang nghe nhạc trực tuyến, mạng xã hội. Đáng chú ý, đây là sân chơi sôi động của những ca sĩ trẻ như: Juky San, Tăng Phúc, Trần Quang Đăng… Họ chọn “cover” bằng tiếng Việt những ca khúc đã thành công từ trước để tạo độ lan tỏa nhanh chóng.
Nhạc Hoa lời Việt thu hút lượng người nghe lớn thời gian gần đây.
Danh sách 10 ca khúc nhạc Việt nổi bật nhất quý II năm 2021, dựa trên lượt nghe Zing MP3 và thành tích bảng xếp hạng #zingchart có 3 bài nhạc Hoa lời Việt là "Chỉ là không cùng nhau" (Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi), "Cô độc vương" (Thiên Tú) và "Ngàn yêu thương về đâu' (Huy Vạc). Trong đó, cả 2 ca khúc "Chỉ là không cùng nhau" và "Ngàn yêu thương "về đâu đều được làm lại từ bài 'Thời không sai lệch' của Ngải Thần ở Trung Quốc.
"Chỉ là không cùng nhau" của Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi gây sốt trên mạng xã hội hồi đầu năm và hiện đạt 77 triệu lượt xem. Cùng thời gian, loạt nhạc Hoa lời Việt của Juky San được khán giả đón nhận. Nữ ca sĩ chọn những bản nhạc phim Trung Quốc thịnh hành vào thập niên 1990 như “Thiên hạ hữu tình nhân”, “Tình sâu đậm mưa mịt mù”, “Tiêu dao tuyệt nhất”... để viết lời và thực hiện bản phối mới.
Bảo Anh cũng chọn thể loại cover này để giữ tên tuổi của mình thời gian không có show diễn. Cô hát tròn trịa, giàu cảm xúc.
Hay trong những show âm nhạc, truyền hình thực tế gần đây, nhạc Hoa lời Việt cũng được nhiều ca sĩ thể hiện. Ca khúc “Biệt khúc chờ nhau” phiên bản 2021, nhạc phim “Tân dòng sông ly biệt” được các giọng ca Văn Mai Hương, Hòa Minzy, Bùi Công Nam, Anh Tú hát trong chương trình “Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân” đã gây bão mạng xã hội.
Ca sĩ Bảo Anh mới đây cũng tung ra series Moodshow - nơi cô làm mới các ca khúc đình đám một thời. Điểm chung của những bài hát Bảo Anh chọn lựa đều là nhạc Hoa lời Việt. Giải thích cho lựa chọn này, nữ ca sĩ chia sẻ cô muốn mang tới khán giả không gian hoài niệm. Các phần biểu diễn của cô cũng tập trung vào yếu tố cảm xúc hơn là hình ảnh khi ekip tối giản hết mọi thứ để làm nổi bật khuôn mặt và giọng hát của nữ ca sĩ.
Xu hướng mới có làm nghèo nàn đi tính sáng tạo của nhạc Việt?
Sở dĩ các ca khúc nhạc Hoa lời Việt hiện tại gây bão trở lại được chính là nhờ xây dựng trên bản phối mới phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ hiện nay. Hầu hết những tác phẩm được chọn để chuyển thể tiếng Việt đều là những bản hit có lượt xem khủng trước đó. Vì vậy, việc các ca sĩ trẻ hay đã có tên tuổi dựa vào nhạc Hoa lời Việt để tạo tính thịnh hành, độ lan tỏa và đem đi hát cũng như làm truyền thông là điều rất dễ hiểu vì vừa thuận tiện lại vừa dễ dàng.
Chính Juky San cũng giải thích rằng, việc chọn hát nhạc Hoa lời Việt thay vì tập trung cho các sáng tác mới bởi những ca khúc dạng này dễ được khán giả yêu thích vì gợi nhớ tuổi thơ. Theo nữ ca sĩ, những gì liên quan đến cảm xúc thường dễ được đón nhận hơn. Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường lý giải chọn các ca khúc đã nổi tiếng của Trung Quốc để hát lại giúp ca sĩ rút ngắn khoảng cách với khán giả vì bản thân chúng đã hay và nổi tiếng rồi.
Tuy nhiên, trào lưu này cũng khiến nhiều người băn khoăn bởi không ít những ca sĩ lạm dụng thể loại âm nhạc này trong suốt thời gian dài mà không thực sự có cho mình sản phẩm nào mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân. Điều này đã khiến cho họ trở thành những người chỉ biết đi “hát lại” những ca khúc của người khác.
Juky San cho rằng, việc hát nhạc Hoa lời Việt thay vì tập trung cho các sáng tác mới bởi những ca khúc dạng này dễ được khán giả yêu thích vì gợi nhớ tuổi thơ.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường nhận định: “Tôi có thể nghe một bài hát Trung Quốc và thấy hay nhưng không có nghĩa tôi sẽ làm lại bài đó cho khán giả Việt nghe. Số lượng ít thôi thì ổn nhưng nếu lạm dụng vì muốn nổi tiếng, có kinh tế, thậm chí hát lại của người khác khi chưa giải quyết vấn đề bản quyền thì không nên”.
Vậy nên, trào lưu hát nhạc Hoa lời Việt chỉ nên dừng lại ở chiến lược ngắn hạn để tiếp cận công chúng chứ không thể là định hướng lâu dài nếu như một ca sĩ muốn có được sự nghiệp âm nhạc thực sự cho riêng mình. Hơn nữa, một số sản phẩm còn vướng phải vấn đề bản quyền đối với tác phẩm gốc, gây khó khăn cho họ. Suy cho cùng sáng tạo và thể nghiệm cái mới là con đường vững bền nhất của một nghệ sĩ chân chính.