Trào lưu trên TikTok: Giải trí hay hiểm họa?
TikTok là nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Việt Nam hiện nay. Nhiều trào lưu mới đã xuất hiện, lan rộng và tạo thành những cơn sốt trong cộng đồng. Tuy nhiên, song hành với đó là không ít nguy cơ tiềm ẩn từ những thử thách gây tranh cãi, đặt ra câu hỏi lớn: TikTok đang mang lại niềm vui giải trí hay tạo ra hiểm họa tiềm tàng?
Với giao diện đơn giản, tính năng quay video ngắn dễ sử dụng, nền tảng TikTok tạo cơ hội cho bất kỳ ai cũng có thể trở thành người sáng tạo nội dung và lan tỏa thông điệp của mình. Hàng loạt trào lưu mới đã xuất hiện và nhanh chóng tạo hiệu ứng rộng khắp trên không gian mạng.
Một trong những xu hướng nổi bật là các thử thách nhảy múa như “Shake It Off Challenge”, cho phép người tham gia thể hiện cá tính qua từng bước nhảy theo nhạc nền sôi động. Với động tác đơn giản, nhịp điệu bắt tai và khả năng “viral” cao, những thử thách như vậy được xem là lành mạnh, vừa giúp giải trí, vừa khuyến khích vận động nhẹ nhàng.
Song song đó, TikTok Việt Nam cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của các trào lưu ẩm thực. Dâu tây phủ sô-cô-la, mì Buldak cay nồng hay matcha đá xay... đang trở thành tâm điểm trong hàng loạt video thử món, chế biến hoặc phản ứng hương vị. Không ít người dùng còn sáng tạo những công thức độc lạ, nhằm tạo ra các nội dung vừa giải trí, vừa kích thích tò mò.
Ngoài các xu hướng về thị giác và vị giác, TikTok Việt Nam từ đầu năm đến nay còn ghi nhận sự lan tỏa của các câu nói “viral”. Điển hình là “Cơm nước gì chưa người đẹp?”, một lời chào hài hước. Câu nói này đã nhanh chóng trở thành hiện tượng, xuất hiện dày đặc trong phần bình luận, caption (chú thích cho bức ảnh từ những bài viết trên mạng xã hội hoặc website) và cả giao tiếp đời thường của giới trẻ.

Trẻ nhỏ dễ bị cuốn vào các nội dung TikTok, tiềm ẩn nguy cơ tiếp nhận thông tin không phù hợp
Tuy nhiên, không phải trào lưu nào cũng mang lại tiếng cười vô hại. Một số thử thách đang được cảnh báo là cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt với nhóm người dùng trẻ tuổi. Trong số đó, trào lưu “bắt pen”, hành động dùng tay ấn mạnh vào 2 bên cổ nhằm tạo cảm giác lâng lâng đã lan truyền trên TikTok tại Việt Nam. Theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế, hành động này tác động trực tiếp đến động mạch cảnh, có thể gây thiếu máu lên não, thậm chí đột quỵ nếu thực hiện nhiều lần. Nhiều tổ chức y tế đã lên tiếng cảnh báo đây là hành vi đáng báo động trong cộng đồng học sinh.
Bên cạnh đó là “blackout challenge”, thử thách khiến người tham gia tự làm mình ngạt thở cho tới khi bất tỉnh. Dù xuất hiện tại Mỹ từ nhiều năm trước và gây ra hàng chục ca tử vong, thử thách này đang bắt đầu được một số người dùng tại Việt Nam tái hiện. Các video hướng dẫn gián tiếp hoặc gợi ý đã bị TikTok gỡ bỏ, nhưng vẫn không ngăn được sự lan truyền khi người dùng “lách luật” bằng cách dùng hiệu ứng, emoji (biểu tượng cảm xúc được dùng nhiều trên mạng xã hội) hoặc thay đổi ngôn từ.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao những thử thách nguy hiểm lại có thể tồn tại? Theo các chuyên gia, nguyên nhân xuất phát từ sự tò mò, tâm lý muốn khẳng định bản thân và thói quen bắt chước trên môi trường mạng. Chỉ một chiếc điện thoại và vài phút quay dựng, một video “gây sốc” có thể giúp người dùng được hàng ngàn lượt tương tác, điều mà không ít bạn trẻ khao khát. Nhưng cái giá phải trả có thể là sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Giải pháp nằm ở sự phối hợp từ nhiều phía. TikTok với vai trò là nền tảng, cần tăng cường kiểm soát, nhận diện sớm các nội dung độc hại và phản hồi kịp thời. Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào công nghệ. Phụ huynh, giáo viên phải là người hướng dẫn, định hướng và bản thân người dùng, trong đó có học sinh phải tự kiểm soát hành vi của mình trên mạng xã hội. Gia đình cần quan tâm và trò chuyện với con trẻ nhiều hơn, nhà trường cần bổ sung giáo dục kỹ năng số; và người dùng cần tỉnh táo khi tiếp cận trào lưu mới.
Trong thế giới số hóa và cạnh tranh khốc liệt về sự chú ý, việc làm chủ cảm xúc và nhận thức là chìa khóa để giữ an toàn trong môi trường trực tuyến. Hãy là người dùng thông minh: Giải trí nhưng không đánh đổi sự an toàn và nhân phẩm chỉ để đổi lấy vài ngàn lượt thả tim ảo.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trao-luu-tren-tiktok-giai-tri-hay-hiem-hoa-a419011.html