Trào lưu tuần làm việc 4 ngày vực dậy 'zombie công sở'
Với thời gian lao động giảm nhưng mức lương và năng suất giữ nguyên, trào lưu làm việc 4 ngày/tuần được cho đem lại lợi ích cho cả nhân viên lẫn doanh nghiệp.
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống đang là ưu tiên của nhiều người lao động. Tuy nhiên, ở một số nước châu Á, làm việc 6 ngày/tuần vẫn là tiêu chuẩn, theo CNBC.
Đó là bởi quan niệm "làm việc chăm chỉ rất có thể dẫn đến thành công", James Root, đồng chủ tịch của tổ chức Bain Futures thuộc công ty tư vấn Bain & Company, cho biết.
"Một số quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản nổi tiếng với giờ làm việc kéo dài. Tuy nhiên, các công ty trên toàn thế giới, bao gồm cả châu Á, đang không ngừng tìm cách để biến văn phòng trở thành nơi làm việc hoàn hảo".
Ông Root đề cập đến chính sách làm nửa ngày vào thứ 6 hay không giới hạn thời gian nghỉ phép, lựa chọn làm việc tại nhà, nghỉ thai sản và các khoản phụ cấp ở một số công ty. Tuy nhiên, người lao động hiện tỏ ra quan tâm đến một xu hướng khác: làm việc 4 ngày/tuần.
Chính sách này giúp nhân công có thời gian nghỉ cuối tuần dài hơn, trong khi vẫn giữ nguyên năng suất và mức lương. Điều này có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động lẫn công ty.
Những nước tiên phong
Từ lâu, Nhật Bản được biết đến là quốc gia có văn hóa công sở khắc nghiệt với thời gian làm việc kéo dài. Nhân viên có thể được kỳ vọng ưu tiên sự nghiệp hơn mọi thứ khác trong cuộc sống. Thậm chí còn có một thuật ngữ chỉ những cái chết do làm việc quá sức là "karoshi".
Covid-19 đã đưa vấn đề này trở lại trung tâm của các cuộc thảo luận. Sau khi các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sang chế độ làm việc từ xa theo giờ giấc linh hoạt trong năm 2020, họ bắt đầu phân tích và nhận thấy những thay đổi này ảnh hưởng tích cực đến thái độ, hiệu suất của người lao động.
Việc cắt giảm số ngày làm việc từ 5, 6 ngày xuống 4 ngày/tuần giúp nhân viên hào hứng đến văn phòng, lao động với năng lượng dồi dào hơn và đồng thời xóa bỏ hiện tượng "zombie" vật vờ nơi công sở.
"Hạnh phúc của nhân viên là ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng là chúng tôi phải tiếp tục giao tiếp, tìm hiểu và thúc đẩy sự hiểu biết để đạt được mục tiêu này", người phát ngôn của Panasonic, Airi Minobe, cho biết.
Hồi tháng 1, Panasonic đã giới thiệu kế hoạch làm việc 4 ngày tùy chọn mỗi tuần để thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên. Tuy nhiên, sớm nhất là tháng 4/2023, kế hoạch này mới được triển khai.
Năm 2019, Microsoft Nhật Bản cũng đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Mặc dù tổng số giờ làm việc giảm, lương của công nhân vẫn giữ nguyên, năng suất lao động lại tăng gần 40%, công ty báo cáo.
Người lao động ở một số nước Đông Nam Á như Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia cũng rất quan tâm đến chính sách làm việc 4 ngày/tuần, theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 2 của công ty nghiên cứu Milieu.
Hơn 3/4 người Singapore mong muốn được nghỉ 3 ngày cuối tuần.
Jaya Dass, Giám đốc điều hành tại công ty tuyển dụng Randstad, cho biết: "Ở những nền kinh tế phát triển như Singapore, chất lượng cuộc sống và ý nghĩa của công việc được quan tâm hơn cả".
Nhiều người lao động ở đảo quốc sư tử mong muốn làm việc để kiếm sống thay vì sống chỉ để lao đầu vào công việc.
Một số nơi thờ ơ
Không phải tất cả lao động ở Đông Nam Á đều hào hứng với số ngày làm việc ít hơn.
Theo khảo sát của Milieu, chỉ có 48% người Malaysia hứng thú với ý tưởng này, trong khi 41% tỏ ra khá thờ ơ.
Bà Dass cho biết lao động ở Myanmar và Campuchia thậm chí còn ít quan tâm hơn.
"Mong muốn về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tại các quốc gia này thấp hơn vì ở những nền kinh tế này, thời gian làm việc dài tương đương với thu nhập cao", bà nói.
Việc cắt giảm thời gian làm việc phổ biến hơn ở phương Tây. Năm 2019, 2021, Iceland và Tây Ban Nha đã lần lượt thử nghiệm cắt giảm giờ làm việc.
Bỉ là quốc gia mới nhất thông báo rằng người lao động sẽ sớm được hưởng chính sách làm việc 4 ngày/tuần.
Theo chính sách mới, nhân viên có quyền ngó lơ tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm mà không lo bị cấp trên xử phạt.
Anh cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày kể từ tháng 6. Sáng kiến này giúp người lao động chỉ làm việc 32 giờ/tuần nhưng mức lương và phúc lợi không thay đổi.