Trào lưu uống nước cốt chanh và vắt chanh vào mắt có thể gây hậu quả thế nào?
Gần đây, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội những lợi ích của việc uống nước cốt chanh tươi (không pha với bất kỳ thứ gì) để thanh lọc cơ thể, thậm chí còn vắt chanh vào mắt, tai… để hết viêm. Những việc này có tác dụng gì không, và có thể gây những hậu quả gì?
Quả chanh có lẽ là một trong những “nhân vật” được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, khi mà nhiều người coi nó như một loại “thần dược”. Ngay cả một số người có rất nhiều người theo dõi cũng chia sẻ về việc uống nước cốt chanh (hoàn toàn nguyên chất, không pha gì cả) mỗi sáng để thanh lọc cơ thể; rồi vắt chanh vào mắt, mũi, tai để trị các chứng viêm và giúp mắt tinh tai thính…

Chanh là loại quả dễ kiếm, giá không cao, lại có nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách. Ảnh minh họa: Jeff Wasserman/ Stocksy.
Vậy sự thật là thế nào?
Theo trang thông tin y tế Healthline, chanh có lượng lớn vitamin C, một quả chanh cỡ vừa có thể cung cấp hơn 20% nhu cầu vitamin C một ngày cho cơ thể. Ngoài ra, trong chanh có một lượng nhỏ sắt, canxi, vitamin B6, kali…
Và đúng là việc ăn/ uống chanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì chanh là nguồn chất chống oxy hóa dồi dào, lại giàu vitamin C nên có thể giúp cơ thể tăng sức miễn dịch, có thể giúp da đẹp hơn, có thể làm giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch, sỏi thận, một số bệnh ung thư…
Chữ “có thể” được lặp lại nhiều lần vì tất cả những điều này đều cần có các nghiên cứu và bằng chứng khoa học nữa chứ chưa thể kết luận 100% được, theo trang thông tin y tế hàng đầu WebMD.

Chanh - và nhiều loại quả khác - có thể giúp tăng sức miễn dịch. Ảnh minh họa: Allrecipes.
Nhưng nên sử dụng chanh thế nào để có thể có được những lợi ích trên?
Thực tế, việc vắt chanh vào các món ăn hoặc dùng để pha nước uống thông thường đã giúp cơ thể nhận được các lợi ích của chanh rồi. Ngoài ra, vỏ chanh bào nhỏ có thể được dùng trong các món bánh, kem…, cũng rất tốt. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học rõ ràng về việc nước cốt chanh giúp cơ thể thanh lọc. Hay như cách viết trên trang y tế Cleveland Clinic thì chanh là sự bổ sung tốt cho chế độ ăn lành mạnh, nhưng không phải là thuốc trị bách bệnh dù có tưởng tượng theo bất kỳ cách nào.
Còn việc uống nước cốt chanh nguyên chất không pha thì về cơ bản là an toàn, theo trang Healthline, nhưng cũng còn tùy cơ địa từng người, rồi tùy tuổi tác, tình trạng sức khỏe... Một số người có thể dị ứng với các loại quả họ cam chanh, đặc biệt khi dùng nhiều. Một số người cũng có thể bị kích ứng đường tiêu hóa khi ăn/ uống nước cốt chanh, dẫn đến việc buồn nôn hoặc nôn, khó nuốt. Chanh có tính axit cao nên làm tăng nguy cơ hỏng men răng (vì vậy, uống nước chanh xong thì nên uống nước lọc).
Tốt nhất là khi uống chanh thì pha loãng với nước ấm để tránh những hậu quả không mong muốn và nên uống ở mức vừa phải, không nên uống 5 - 10 quả chanh/ngày. Nếu muốn dùng lượng nhiều thì cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Nếu uống nước chanh, nên pha loãng. Ảnh minh họa: FirstCry.
Riêng về việc vắt chanh vào mắt để chữa viêm, chắp, giúp mắt tinh hơn… thì tuyệt đối không có cơ sở khoa học nào. Nước cốt chanh có tính axit rất cao (độ pH khoảng 2,25) trong khi mắt người có độ pH 7,4, theo trang LiveStrong. Cho nên vắt nước cốt chanh vào mắt - kể cả khi đã pha loãng - sẽ khiến mắt rất đau, xót, có nguy cơ bị “bỏng axit”, gây tổn thương giác mạc, viêm nhiễm nặng hơn…
Theo trang WebMD, việc xoa nước cốt chanh trực tiếp lên da cũng có thể rất nguy hiểm, vì khiến da rất nhạy cảm với ánh nắng, có thể gây viêm da. Cho nên việc cho nước cốt chanh nguyên chất vào tai, mũi lại càng không nên.
Tóm lại, chanh là loại quả giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa, việc ăn/ uống có thể giúp tăng sức miễn dịch và giảm nguy cơ bị một số bệnh. Tuy nhiên, cần ăn/ uống ở mức độ vừa phải, chỉ theo những cách thông thường (vắt chanh vào các món ăn, pha nước uống…) và vì cơ địa mỗi người có thể khác nhau nên luôn cần theo dõi các “phản hồi” của cơ thể.