Trào ngược dạ dày - thực quản gây ho nhiều, vì sao?
Ho là tình trạng ai cũng có thể bị và do nhiều nguyên nhân gây ra. Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh, trong đó có ho do trào ngược dạ dày - thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (DD-TQ) hay tên viết tắt quen thuộc theo tiếng Anh là GERD (Gastroesophageal reflux disease), là một rối loạn tiêu hóa có nguồn gốc là từ cơ thắt thực quản dưới - một vòng cơ nằm ở ranh giới giữa thực quản và dạ dày. Trong sinh lý vận động hệ tiêu hóa trên bình thường, cơ thắt thực quản dưới sẽ mở ra để cho phép thức ăn từ thực quản đi vào dạ dày và đóng lại nhằm ngăn chặn thức ăn cũng như dịch dạ dày có tính axit di chuyển ngược lên vào thực quản.
Tình trạng trào ngược DD-TQ sẽ xảy ra khi vòng cơ này yếu đi hoặc gặp phải điều kiện thư giãn không thích hợp, tạo thuận lợi cho dịch dạ dày chảy vào thực quản. Từ đó, người bệnh biểu hiện ra các triệu chứng, cả về đường tiêu hóa lẫn khoang miệng, họng và đường hô hấp như cảm giác nóng rát ở ngực hay ợ nóng, ợ chua, thường là sau khi ăn, nặng hơn vào ban đêm; đau ngực, khó nuốt, ho nhiều, viêm thanh quản, hen suyễn mới xuất hiện hoặc làm xấu đi và cả rối loạn giấc ngủ. Do trào ngược dạ dày thực quản gây kích thích niêm mạc tại chỗ dẫn đến triệu chứng ợ nóng, cảm giác nóng rát ở ngực và nhất là ho kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trong hầu hết các trường hợp, GERD có thể thuyên giảm thông qua chế độ ăn uống và thay đổi lối sống; mặc dù vậy, một số người có thể cần phải cần dùng thuốc trong thời gian kéo dài hoặc thậm chí là phẫu thuật.
Vì sao trào ngược DD-TQ
lại gây ho nhiều?
Ho là phản xạ của cơ thể để giúp làm sạch cổ họng hoặc để tống dị vật gây cản trở đường thở ra ngoài. Ho hắng giọng thường là hành vi chủ động, do đó, cần phân biệt với ho do nguyên nhân bệnh lý. Ho kéo dài dưới 3 tuần là ho cấp tính. Hầu hết tình trạng này sẽ ngừng hoặc cải thiện đáng kể trong vòng 2 tuần. Nếu kéo dài từ 3-8 tuần và có cải thiện vào thời gian cuối thì được gọi là ho bán cấp. Trường hợp kéo dài dai dẳng hơn 8 tuần hoặc lâu hơn được xem là ho mạn tính. Trong các nguyên nhân gây ho mạn tính, cần nghi ngờ khả năng là do axit dạ dày trào vào thực quản trong bệnh cảnh của GERD.
Mặc dù ho mạn tính không phải là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày, nguyên nhân là do GERD lại chiếm vai trò trong ít nhất 25% các nguồn gốc của các trường hợp ho mạn tính. Có sự tác động qua lại giữa ho và trào ngược axit. Hiện tượng trào ngược axit gây ho mạn tính, đồng thời phản xạ ho làm trào ngược axit trở nên tồi tệ hơn. Có 2 cơ chế có thể giải thích vấn đề này: Đầu tiên, ho được cho là một hành động phản xạ lại khi có sự gia tăng axit từ dạ dày đi vào thực quản nhằm bảo vệ đường thở. Cơ chế thứ hai cho rằng dịch trào ngược di chuyển trên và ra khỏi thực quản, những giọt nhỏ axit dạ dày rơi vào cổ họng, gây kích thích ho. Loại trào ngược này được gọi là trào ngược thanh quản. Không những thế, khi axit dạ dày tiếp xúc với dây thanh âm và cổ họng, GERD có thể gây viêm dẫn đến các triệu chứng như khàn tiếng, cảm giác có gì đó bị mắc kẹt trong cổ họng hay viêm họng, viêm amidan kéo dài. Do vậy, cần phải thừa nhận mối liên kết tồn tại giữa ho mạn tính và GERD.
Cách phòng ngừa ho
do trào ngược DD-TQ
Ho mạn tính ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống của người bệnh. Do vậy, một số thay đổi lối sống có thể giúp những người bị ho mạn tính do trào ngược dạ dày cải thiện triệu chứng này rất hiệu quả, đặc biệt đối với những người có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Theo đó, những người bị ho mạn tính do trào ngược axit có thể thực hiện các thay đổi lối sống sau đây để cải thiện các triệu chứng của mình:
Duy trì chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh (BMI) trong phạm vi trung bình. Điều này có thể làm giảm một lượng áp lực nhất định lên dạ dày, làm giảm lượng axit dạ dày buộc lên thực quản. Bỏ thuốc lá giảm các triệu chứng của bệnh GERD. Ăn chậm, nhai kỹ và tránh ăn quá nhiều là biện pháp cần thiết khi bị GERD. Các bữa ăn với lượng lớn thức ăn nạp vào cùng lúc sẽ ức chế sự đóng kín của cơ thắt thực quản dưới, cho phép axit dạ dày dâng lên thực quản. Một số thực phẩm và đồ uống kích hoạt trào ngược axit nên cần phải hạn chế như rượu, cafein, sôcôla, cam quýt, thức ăn giàu mùi vị như chua, cay, bạc hà, tỏi, hành, thực phẩm chiên xào hay thực phẩm giàu chất béo. Không nằm xuống ngay sau hoặc trong bữa ăn. Mọi người nên đợi khoảng 3 giờ sau bữa ăn cho dịch trong dạ dày được tiêu hóa bớt trước khi nằm xuống. Kê cao gối đầu khi ngủ để làm giảm lượng axit vào thực quản. Mặc quần áo rộng để cơ thể luôn cảm thấy thoải mái. Điều này cũng gián tiếp làm giảm áp lực lên dạ dày.
Người bệnh GERD bị ho nên tư vấn bác sĩ để chữa chứng GERD và hạn chế bị ho. Với người bình thường, khi bị ho kéo dài, cần nghĩ đến khả năng do GERD và nên đến thăm khám bác sĩ, tìm nguyên nhân và điều trị đúng cách, tránh để kéo dài đôi khi dẫn đến các biến chứng khó kiểm soát.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trao-nguoc-da-day-thuc-quan-gay-ho-nhieu-vi-sao-n177635.html