Trao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường: Phát huy cao hơn vai trò của giáo viên

Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 (gọi tắt là Thông tư 27) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định việc chọn lựa sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thay thế cho Thông tư 25 cũ đã gia tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Với thông tư mới này, ngành Giáo dục kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực khi học sinh được học những bộ sách phù hợp năng lực, đặc điểm tình hình của nhà trường, địa phương.

Điểm khác biệt của Thông tư 27 là quyền quyết định, lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT giao về cho các cơ sở giáo dục, thay vì thông qua Hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh, thành phố như trước đây. Theo đó, giáo viên được trao quyền bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa cho môn học mình phụ trách; hiệu trưởng các nhà trường được trao quyền thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, thẩm định lựa chọn sách ở các tổ chuyên môn. Phòng, Sở GD&ĐT chỉ đóng vai trò thẩm định hồ sơ chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục, trình lên UBND tỉnh, thành phố để xem xét, phê duyệt. Như vậy, vai trò của Hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh, thành phố theo thông tư mới đã không còn.

Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường đã giúp giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc lựa chọn bộ sách phù hợp với giáo viên và học sinh nhà trường.

Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường đã giúp giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc lựa chọn bộ sách phù hợp với giáo viên và học sinh nhà trường.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Thanh Sơn, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên chọn sách giáo khoa từ cuối tháng 2. Sau khi nghe các nhà viết sách thuyết trình từng bộ sách, thầy cô nghiên cứu sách trên bản mềm, bản mẫu của Phòng GD&ĐT gửi về, từng giáo viên tổng hợp, đánh giá ưu điểm, hạn chế về nội dung, hình thức, cấu trúc, ngôn ngữ... để từ đó lựa chọn bộ sách phù hợp với năng lực, trình độ học sinh, điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Đến giữa tháng 3, tổ chuyên môn họp, thảo luận, tổng hợp lại, bỏ phiếu lựa chọn bộ sách. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được nhà trường thành lập gồm 13 đồng chí, trong đó có đại diện cha mẹ học sinh thảo luận, đánh giá, đề xuất bộ sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học. Từ tổng hợp, đánh giá, kết quả chọn sách của các nhóm chuyên môn, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường sẽ thảo luận, đánh giá, đề xuất bộ sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học. Sau khi thống nhất từng đầu sách, nhà trường lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng GD&ĐT (đối với cấp Tiểu học và THCS).Cô giáo Nguyễn Thị Sâm - Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết: “Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường đã giúp giáo viên lựa chọn bộ sách phù hợp với cách giảng dạy, truyền đạt của giáo viên và không bị áp đặt khuôn mẫu khi giảng dạy, giáo viên được sáng tạo, mở rộng dựa trên nền tảng kiến thức. Tôi thấy đó là thuận lợi và ưu điểm của việc trao quyền chọn sách”.Việc lựa chọn sách của nhà trường đã đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại các nhà trường. Thầy Phạm Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết: “Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 27 là phù hợp. Bởi, giáo viên tại các nhà trường là người trực tiếp đứng lớp, giảng dạy nên hiểu rõ nhất chương trình giảng dạy, kiến thức, nội dung các bài học, những điểm mạnh, điểm yếu của từng bộ sách và khả năng tiếp thu của học sinh. Qua đó, được quyền lựa chọn những bộ sách phù hợp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong công tác chuẩn bị bài giảng, vừa giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu, mở rộng kiến thức bài học”.

Giáo viên Trường THPT Tam Nông, huyện Tam Nông chủ động nghiên cứu để có đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa phù hợp nhất.

Giáo viên Trường THPT Tam Nông, huyện Tam Nông chủ động nghiên cứu để có đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa phù hợp nhất.

Ngay sau khi Thông tư số 27 được ban hành, Ban Giám hiệu Trường THPT Tam Nông, huyện Tam Nông đã tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, giáo viên nghiên cứu, nắm bắt các điểm mới của thông tư và hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Cô Bùi Thị Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Số lượng các bộ sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt khá nhiều. Mặc dù nội dung kiến thức, mục đích hướng tới của các bộ sách là giống nhau, nhưng mạch kiến thức, phương thức chuyển tải khác nhau... Bởi vậy, để đưa ra nhận định, lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất, giáo viên cần có thời gian nghiên cứu kỹ tất cả các bộ sách. Đây cũng là một việc khó, tuy nhiên, nhà trường đã giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ động nghiên cứu sớm để có đánh giá, lựa chọn phù hợp nhất".Trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên, nhà trường thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; họp thống nhất với các tổ chuyên môn, giáo viên, phụ huynh học sinh về quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo quy định mới với quan điểm lựa chọn sách đảm bảo chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng các khâu, các bước. Từ đó, lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp nhất với học sinh để gửi hồ sơ báo cáo với Sở GD&ĐT theo đúng quy định.Để thực hiện tốt Thông tư số 27, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn cụ thể Phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghiên cứu kỹ nội dung thông tư; xây dựng kế hoạch thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; chuẩn bị các khâu, các bước lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo phù hợp, tránh bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện.Với sự chuẩn bị chu đáo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ lựa chọn các bộ sách giáo khoa phù hợp, góp phần giúp học sinh tiếp cận kiến thức đúng với năng lực cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương để thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/trao-quyen-chon-sach-giao-khoa-cho-nha-truong-phat-huy-cao-hon-vai-tro-cua-giao-vien-212446.htm