Trao quyền 'nuôi biển' cho ngư dân

Trước sự suy giảm của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển, các mô hình đồng quản lý bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Bình Thuận đã ra đời. Các mô hình này không chỉ cải thiện chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển, tạo thêm thu nhập cho cộng đồng ngư dân, mà còn góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Giao diện tích mặt biển

Do bị khai thác quá mức, nguồn lợi hải sản ven các vùng biển Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) có thời điểm cạn kiệt, nhiều ngư dân phải bán tàu thuyền vì mất kế sinh nhai.

“Tàu giã cào hoạt động vô tội vạ, không ít ngư dân còn dùng kích điện, thuốc nổ… để khai thác hải sản dẫn đến khu vực biển gần bờ cạn kiệt cá, tôm”, ngư dân Nguyễn Huy Tùng (huyện Hàm Thuận Nam), chia sẻ.

 Ngư dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) thả sò lông giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ngư dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) thả sò lông giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Từ thực trạng này, năm 2015, người dân đề xuất và được UBND huyện Hàm Thuận Nam giao hơn 16km2 mặt biển cho Hội Cộng đồng ngư dân Thuận Quý quản lý. Được sự hỗ trợ của các cấp, 60 thành viên trong hội đã bắt tay thi công được 44 cụm điểm rạn nhân tạo dưới biển để tạo chỗ cho hải sản về trú ngụ, sinh sản. Không chỉ vậy, cộng đồng ngư dân nơi đây còn thả trên 112 tấn sò lông giống xuống biển để tái tạo loài hải sản đang dần cạn kiệt này.

Tương tự, năm 2018, được nhà nước trao “sổ đỏ” mặt nước trên diện tích mặt biển trên 27km2, các tổ chức cộng đồng xã Tân Thành, Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) đã nhiệt tình tham gia quản lý với số thành viên lên đến hơn 250 hội viên. Ngư dân và ngành chức năng đã thả 12 cụm điểm rạn nhân tạo đánh dấu vùng biển, tạo những “ngôi nhà” để hải sản về trú ẩn.

Các tổ chức cộng đồng ngư dân tại 2 xã còn phối hợp nhiều đơn vị thả hàng trăm ngàn con giống. Đặc biệt, cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận còn thành lập đội giám sát IUU để tuyên truyền và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp, báo cáo ngành chức năng để xử lý.

Xem xét chính sách hỗ trợ

Từ những mô hình trên, nguồn giống thủy sản ở địa phương dần được tái tạo, cá tôm và các loại hải sản có nơi trú ẩn nên lũ lượt kéo nhau về sinh sống; những ngư dân huyện Hàm Thuận Nam trước đây bỏ biển thì nay đua nhau sắm ghe thuyền ra biển trở lại.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, thông tin, Bình Thuận là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Hiện nay, địa phương có 4 tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản với 562 hộ gia đình đăng ký tham gia. Trong đó, cộng đồng Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận đã được công nhận và giao quyền quản lý mặt biển.

“Từ những mô hình trên, các hành vi đánh bắt IUU được hạn chế, giảm dần; tạo điều kiện cho các hệ sinh thái và môi trường biển, nguồn lợi thủy sản có cơ hội sinh sôi, phát triển. Những đánh giá, ghi nhận của người dân cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực, gia tăng nguồn lợi thủy sản so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình. Ngoài ra, sinh kế của nhiều người dân từ hoạt động đánh bắt trong vùng biển đồng quản lý đã khởi sắc, cải thiện hơn”, ông Huỳnh Quang Huy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức cộng đồng tại tỉnh Bình Thuận vẫn chủ yếu hoạt động theo tinh thần tự nguyện, không có bất cứ khoản hỗ trợ tài chính nào; chương trình đào tạo, tập huấn cho các địa phương, người dân tham gia mô hình cũng chưa có.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật hiện nay chưa có cơ chế mang lại lợi ích trực tiếp, chưa tạo được sự công bằng cho cộng đồng khi tiếp nhận khu vực đồng quản lý, nhất là quyền được khai thác, nuôi trồng thủy sản, hoạt động sinh kế khác liên quan đến nguồn lợi thủy sản mà cộng đồng đã bỏ công sức, thời gian, tiền bạc bảo vệ, duy trì và phát triển.

Do đó, ông Lại Duy Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghề cá vịnh Bắc bộ (Viện Nghiên cứu hải sản) cho rằng, nhà nước cần có các định hướng, xem xét chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc thù để hỗ trợ ngư dân.

TIẾN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trao-quyen-nuoi-bien-cho-ngu-dan-post740673.html