Trao quyền tự chủ cao hơn cho 2 đại học quốc gia

Dù đã được quy định trong luật, nhưng trong thực tiễn triển khai, việc tổ chức và hoạt động của các mô hình cơ sở giáo dục đại học cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập. Đó là nhận định chung tại hội thảo 'Về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam' do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức vừa qua.

Sau gần 30 năm thành lập, cơ bản mô hình tổ chức, hoạt động Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐHQG thành phố HCM đã đi vào ổn định. Các quy định, quy chế cũng như các vấn đề quản trị nội bộ đang được phát huy tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các điều kiện tự chủ như: Việc triển khai mô hình hội đồng các trường đại học thành viên; thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng; các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự vẫn chưa được thể chế hóa...

Ông NGUYỄN MINH TÂM - Phó Giám đốc ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh: Sau khi Luật 34 được ban hành, đến nay hơn hai năm rồi, chúng ta phải có nghị định, quy chế tổ chức hoạt động để triển khai luật này nghị định và thông tư là chưa có. Vị trí pháp lý của hai đại học quốc gia rất quan trọng, chúng tôi đề xuất 2 đại học quốc gia trực thuộc chính phủ.”

Mô hình cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam được quy định khá rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, nhưng trong thực tiễn cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, cần được quan tâm, làm rõ để tạo sự thống nhất.

Ông NGUYỄN HUY BẰNG - Hiệu trưởng ĐH Vinh: Giữa các luật khác nhau chúng tôi thấy hành lang pháp lý đang còn vênh nhau, thiết nghĩ cần có nghiên cứu về các cơ chế để gỡ bỏ các nút thắt này cho các trường đại học và các đại học, hướng tới đổi mới sáng tạo để hình thành nên hệ sinh thái, trong đó các doanh nghiệp hình thành trong nhà trường kết hợp các doanh nghiệp bên ngoài cùng khai thác vận hành các cơ chế về tự chủ trong bối cảnh đổi mới sáng tạo”.

Ông HUỲNH VĂN CHƯƠNG - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Huế: Mong muốn Nhà nước, Quốc hội cũng như bộ tiếp tục hoàn thiện những mô hình mẫu và những văn bản mẫu để giúp cho các trường trong quá trình quản trị đại học tốt nhất và tránh những xung đột không đáng có. Thứ hai, Luật 34 tôi không kỳ vọng có sớm nhưng trước hết những nghị định, thông tư phải thay đổi, còn luật có thể là lộ trình 3 - 4 năm chúng ta đánh giá toàn diện hơn để sửa đổi. Tôi kỳ vọng và mong Điều 16, 18 và Điều 20 trong luật của Quốc hội ban hành đã khá rõ”.

Một số ý kiến đề xuất, kiến nghị Chính phủ trao các quyền tự chủ cao hơn cho hai đại học quốc gia trong các văn bản Nghị định và Quy chế mới thay thế Nghị định 186 và Quy chế 26 để đại học quốc gia làm tốt nhất sứ mạng, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao tính cạnh tranh, hướng đến lợi ích cộng đồng, xã hội.

Thực hiện : Phan Hằng – Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/trao-quyen-tu-chu-cao-hon-cho-2-dai-hoc-quoc-gia