Trao quyết định bổ nhiệm đại sứ cho 4 Thứ trưởng Ngoại giao
Chiều 20/1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại tổ chức quốc tế.
Cụ thể, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh làm Đại sứ Việt Nam tại các nước là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. Đồng thời trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang là Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại tổ chức quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng 4 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước “chọn mặt gửi vàng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cả 4 Đại sứ đều là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, trong thời gian dài đã có nhiều đóng góp trực tiếp cho ngoại giao Việt Nam, nhất là ngoại giao vaccine thời gian qua; đồng thời đã đề xuất, tham mưu nhiều vấn đề quan trọng đối với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với các nước, cũng như các vấn đề toàn cầu.
Nhắc lại mong muốn ngành ngoại giao hãy là viên gạch đầu tiên trên con đường Việt Nam đi tới thịnh vượng, hùng cường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cả 4 Đại sứ đều làm nhiệm vụ ở các nước phát triển, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, có nền khoa học, công nghệ hiện đại, đồng thời cũng là đối tác về đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam.
Vì thế 4 Đại sứ hãy phát huy tinh thần tiên phong, để có đóng góp kịp thời nhiều hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, hợp tác về khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, cũng như củng cố vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, góp phần vào bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, nâng tầm quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại được khẳng định tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại tổ chức quốc tế chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác, nắm bắt cơ hội, xác định những kế hoạch cụ thể để tạo đột phá mới, phát huy phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh trong thực tiễn: Hòa hiếu, hữu nghị, tận tụy, trách nhiệm, chân thành “từ trái tim đến trái tim”; nỗ lực đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất với các đối tác, phát huy hiệu quả vai trò của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đóng góp cho đất nước ngày càng thịnh vượng và phát triển hùng cường.
Làm nhiệm vụ ở các nước có đông người người Việt Nam đang sinh sống, Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ quan tâm hơn nữa tới công tác bảo hộ công dân, theo tinh thần chuyển từ hỗ trợ như trước đây thành ý thức và trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, triển khai các hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt; đẩy mạnh thu hút nguồn lực người Việt Nam ở các địa bàn này về đóng góp, phục vụ phát triển đất nước.
Cũng trong hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Malaysia Dato Sharifah Norhana Syed Mustaffa chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao bà Dato Sharifah Norhana Syed Mustaffa đã có những đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Hai nước đã hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có đóng góp quan trọng của bà Đại sứ kết nối thông tin hai nước.
Nhấn mạnh dư địa thương mại đầu tư còn rất lớn, Chủ tịch nước mong muốn hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước đề nghị hai bên cùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng các nước ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, vai trò trung tâm, bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông; thúc đẩy thực hiện DOC, đàm phán nhằm đạt được một COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.