Trao truyền câu hát, điệu múa truyền thống

PTĐT - Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng, phong phú, giàu bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình trong đó có các hình thức diễn xướng dân gian. Để gìn giữ và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số...

Ông Đinh Văn Thành cùng đội văn nghệ quần chúng xã Tất Thắng biểu diễn điệu trống đu tại Lễ hội Đền Hùng năm 2019.

Ông Đinh Văn Thành cùng đội văn nghệ quần chúng xã Tất Thắng biểu diễn điệu trống đu tại Lễ hội Đền Hùng năm 2019.

PTĐT - Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng, phong phú, giàu bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình trong đó có các hình thức diễn xướng dân gian. Để gìn giữ và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trong đời sống cộng đồng thì cần trao truyền lại những câu hát, điệu múa cho thế hệ trẻ. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có buổi trò chuyện với ông Đinh Văn Thành (ảnh)- xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn- Người đã và đang trực tiếp truyền dạy những câu hát ví, rang, điệu cồng chiêng, trống đu… cho đồng bào Mường trên địa bàn huyện Thanh Sơn xung quanh nội dung này.

Được biết ông là người rất yêu văn hóa Mường và đã truyền dạy những câu hát, điệu múa của dân tộc mình cho lớp kế cận?
Sinh ra trên đất Mường Thanh Sơn, từ nhỏ tôi đã có tình yêu đặc biệt với những câu hát ví, rang hay những điệu cồng chiêng đặc trưng của dân tộc Mường. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tham gia công tác văn hóa ở xã, tôi có thêm điều kiện tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về các hình thức diễn xướng dân gian của dân tộc mình. Tôi thường đến gặp các cụ cao niên trong xã để học hỏi và ghi chép lại lời hát, cách diễn tấu hay nhịp điệu múa để dàn dựng các tiết mục và sau này truyền dạy lại cho các bạn trẻ. Đội nghệ thuật quần chúng xã Tất Thắng do tôi phụ trách có rất nhiều năm tham gia biểu diễn đâm đuống, cồng chiêng tại lễ hội Đền Hùng và nhiều hoạt động văn hóa khác của tỉnh, của huyện cũng như khu vực. Trong những năm công tác ở xã, ai có mong muốn tìm hiểu về các hình thức diễn xướng dân gian của dân tộc Mường, từ hát ví, rang, diễn tấu cồng chiêng, múa mỡi, múa xênh tiền hay các loại nhạc cụ trống, sáo, đàn nhị… thì tôi hướng dẫn, thậm chí còn dàn dựng thành các tiết mục biểu diễn luôn.Từ năm 2015 nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian nghiên cứu nhiều hơn về nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mường và hướng dẫn các CLB văn hóa dân tộc Mường ở các xã Tinh Nhuệ, Cự Đồng, Cự Thắng, Thượng Cửu, Văn Miếu, Võ Miếu và một số trường học. Đặc biệt, trong năm 2018, huyện Thanh Sơn đã mở 2 lớp tập huấn về diễn tấu cồng chiêng và hát ví, hát rang dân ca Mường với hàng trăm học viên đã góp phần tích cực góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ trước nguy cơ bị mai một.Ông nhận thấy có những chuyển biến tích cực gì sau các lớp hát ví, rang và diễn xướng cồng chiêng do huyện mở?
Thực hiện đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện, trong tháng 4/2018, huyện Thanh Sơn đã mở lớp tập huấn diễn xướng cồng chiêng và lớp tập huấn hát ví hát rang dân ca Mường vào tháng 12/2018, tôi cũng đã trực tiếp hướng dẫn cho các học viên là cán bộ văn hóa các xã, thị trấn, các CLB văn hóa dân tộc Mường và giáo viên âm nhạc các trường tiểu học, THCS trên địa bàn về các giai điệu chính của cồng chiêng, kỹ thuật, các hợp âm, cách diễn tấu và những bài chiêng cổ của đồng bào dân tộc Mường, những làn điệu hát ví, hát rang- nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Thông qua những lớp tập huấn như thế này, cùng với việc thành lập các CLB văn hóa dân tộc Mường sẽ là động lực để bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng để từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường. Ngay ở xã tôi hiện nay cũng có 6 CLB văn hóa dân tộc Mường hoạt động có hiệu quả và còn lưu giữ được 5 bộ cồng chiêng trong đó có 1 bộ kép. Hoặc như tôi biết, ở xã Khả Cửu, từ những người ban đầu tham gia các lớp tập huấn về đã truyền dạy lại cho những người khác trong các CLB văn hóa dân tộc Mường và ở các bản, thường xuyên biểu diễn cồng chiêng, đâm đuống thu hút khách du lịch đến tìm hiểu văn hóa Mường.Những điệu hát ví, rang đều được thể hiện bằng tiếng Mường và tiếng Mường vẫn được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày, điều đó có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo tồn những câu hát đặc trưng của dân tộc?
Ở xã chúng tôi, đa phần là người Mường nên trong cuộc sống thường ngày, tiếng Mường vẫn được sử dụng là ngôn ngữ chính. Các cháu nhỏ từ khi biết nói đã được ông bà, bố mẹ được dạy song song 2 ngôn ngữ như một cách để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ việc nói được tiếng Mường thì mới hát được những câu hát ví, rang, giữ gìn được tiếng nói là bảo tồn được văn hóa của dân tộc. Câu Ví, câu Rang đã làm cho đời sống văn hóa của người dân tộc Mường thêm phong phú.Trong quá trình truyền dạy những câu hát, điệu múa, các hình thức diễn xướng dân gian của người Mường, ông nhận thấy cần khắc phục những khó khăn gì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường?
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghệ thuật trình diễn dân gian không phải là việc đơn giản, vì lớp trẻ ngày nay không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống. Không thể nói họ không yêu văn hóa truyền thống nhưng do thực tế cuộc sống ngày càng bận rộn cộng thêm việc tiếp nhận âm nhạc hiện đại làm cho việc gìn giữ câu hát, điệu múa của dân tộc thêm khó khăn trong khi các hình thức diễn xướng được truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp, ít có các văn bản ghi lại cụ thể nên khó khăn trong việc truyền dạy.Theo tôi, để khắc phục những khó khăn ấy, điều cốt yếu nhất là mỗi người Mường cần có tình yêu với văn hóa Mường và mong muốn được tham gia gìn giữ, bảo tồn những câu hát điệu múa của dân tộc mình. Bản thân những người truyền dạy không chỉ có tình yêu với văn hóa Mường mà còn phải am hiểu và tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa Mường. Chúng tôi cũng mong muốn, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ngành văn hóa sẽ cùng chung tay, tạo điều kiện mở thêm các lớp tập huấn, hỗ trợ các CLB văn hóa dân tộc Mường hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần gìn giữ những câu hát, điệu múa của người Mường và trao truyền cho thế hệ mai sau.Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phương Thanh (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/201911/trao-truyen-cau-hat-dieu-mua-truyen-thong-167662