Trao truyền văn hóa dân tộc bằng song ngữ

Thông qua học tập, trải nghiệm, học sinh Kon Tum có cơ hội được giao lưu và hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng của một số dân tộc.

Bà Huỳnh Thị Thu Vân - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum trải nghiệm nặn tò he cùng học sinh.

Bà Huỳnh Thị Thu Vân - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum trải nghiệm nặn tò he cùng học sinh.

Đồng thời, giúp các em nâng cao vốn tiếng Việt để trao đổi, giao tiếp hàng ngày.

Kể chuyện song ngữ

Trong bộ trang phục truyền thống, em Y Nghề (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) cùng 4 bạn học sinh kể chuyện “Sự tích ngày và đêm” bằng tiếng song ngữ Việt - Giẻ Triêng tại sự kiện “Hành trình Học tập, trải nghiệm nhằm thúc đẩy tiếp cận tiếng Việt và trao đổi văn hóa cho học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum”.

Y Nghề sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Đăk Glei. Từ nhỏ, em được giao tiếp và nghe ông bà, cha mẹ kể những câu chuyện cổ tích bằng tiếng Giẻ Triêng. Hằng ngày, ngoài học tiếng Việt trên trường, em vẫn trao đổi với gia đình, bạn bè bằng tiếng bản địa.

“Được đứng trước thầy, cô và bạn bè kể chuyện bằng tiếng Giẻ Triêng, em thấy tự hào và hạnh phúc. Qua đây, em có thể đưa tiếng nói của dân tộc mình đến gần hơn với các bạn, đồng thời nâng cao vốn tiếng Việt cho bản thân”, Y Nghề bộc bạch.

Không chỉ giao lưu văn hóa truyền thống, em Nguyễn Thị Trà My (học sinh lớp 5, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) còn được đọc nhiều loại sách hay, bổ ích.

“Được gặp gỡ, vui chơi với các bạn giúp em tăng cường tiếng Việt và hiểu hơn về văn hóa các dân tộc. Em thấy bộ trang phục truyền thống các bạn mặc rất đẹp. Đặc biệt, ở đây có nhiều cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi chúng em. Trường em cũng có góc thư viện nhưng các loại sách còn ít. Do đó, em mong sẽ có thêm đầu sách để chúng em có thể trau dồi tri thức”, em Trà My chia sẻ.

Lần đầu tiên được trải nghiệm nặn tò he, em Phan Bảo Nam (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum) rất hào hứng. Bảo Nam tâm sự, đây là lần đầu tiên em được thấy tò he và có thể tự nặn con vật, cây cối… mà bản thân yêu thích. Đồng thời, em cũng được biết thêm tiếng nói, văn hóa của một số dân tộc thông qua các bạn đến từ nhiều huyện trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu kể chuyện song ngữ Việt - Giẻ Triêng.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu kể chuyện song ngữ Việt - Giẻ Triêng.

Học tập và trải nghiệm

Bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, sự kiện lần này với sự góp mặt của hơn 1.400 học sinh. Trong số này, có nhiều em là người dân tộc thiểu số nên sẽ là cơ hội để các em giao lưu, học tập qua hoạt động trải nghiệm. Đồng thời, học sinh được tiếp cận, lan tỏa các bộ tài liệu song ngữ mà ngành Giáo dục đã biên soạn. Từ đó, giúp các em hiểu và biết cách giữ gìn bản sắc, giao lưu văn hóa, tiếng nói các dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Bana, Jrai… xa hơn sẽ lan tỏa đến cộng đồng quốc tế.

Còn bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho hay, trong những năm qua đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đặc biệt, sở quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động dạy học thông qua hình thức trải nghiệm và “học thông qua chơi”.

Sự kiện “Hành trình Học tập và trải nghiệm nhằm thúc đẩy tiếp cận tiếng Việt và trao đổi văn hóa cho học sinh vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum” với chủ đề “Ngày hội - Sách cho tôi, cho bạn” nhằm giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số tiếp cận tiếng Việt thông qua các môn học và hoạt động giáo dục như: Giới thiệu truyện cổ các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, nghe kể chuyện theo sách, múa xoang, tham gia nghệ thuật dân gian nặn tò he và được trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Kon Tum, Ngục Kon Tum, Nhà thờ Gỗ và phố đi bộ…

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cũng mong lãnh đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo cơ sở giáo dục tiếp tục tuyên truyền về văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, xây dựng môi trường văn hóa đọc. Cùng với đó, phát triển thư viện nhà trường gắn với các học liệu, tư liệu và hình ảnh để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt. Đồng thời, tổ chức hoạt động giao lưu để rèn luyện kỹ năng giao tiếp giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo, hiệu quả trong cuộc sống… Ngoài ra, thông qua Bộ tài liệu bổ trợ ngôn ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum cấp tiểu học sẽ bổ sung nguồn tài liệu gắn liền với văn hóa địa phương. Từ đó bảo đảm duy trì và phát triển năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ.

“Thông qua học tập và trải nghiệm, học sinh tiểu học có cơ hội được giao lưu và hiểu thêm nét văn hóa đặc trưng của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng thời, các em được giao tiếp tiếng Việt và sử dụng hiệu quả trong môi trường học tập”, bà Đinh Thị Lan cho biết.

Bài, ảnh: Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-truyen-van-hoa-dan-toc-bang-song-ngu-post634398.html