Trập trùng Cao Sơn

Mùa xuân, sự giao hòa của trời đất mở đầu cho một vòng xoay mới. Trong tiết xuân nồng nàn, chả có lý gì mà lòng người lại không rung lên khát vọng hướng đến một năm mới đầy hứng khởi. Mỗi người có một cảm xúc háo hức, chộn rộn và sâu lắng cho riêng mình… Còn tôi, mỗi dịp hoa đào, hoa mai nở, lòng lại náo nức giục lòng ngược núi cao, rừng sâu, ngược về với thiên nhiên thanh khiết để cảm nhận cuộc sống của những con người vùng cao và trải nghiệm, khám phá những bản làng hoang sơ gian khó để thỏa chí lãng du, được hòa vào những lễ hội mùa xuân dặt dìu tiếng khèn Mông... Và sớm xuân này, Cao Sơn (Mường Khương) đang vẫy gọi, thúc giục lòng tôi lên đường với bao thương nhớ đầy vơi.

Là xã trung tâm của cụm xã cao nhất huyện Mường Khương, cheo leo trên vách đá ngàn non, người ta ví Cao Sơn là nóc nhà của rẻo đất biên cương này. Ở độ cao trung bình hơn 1.400 m so với mực nước biển, do địa hình nghiêng thoải về phía Đông bên bờ sông Chảy nên cứ mưa xuống là bao nhiêu đất đai mỡ màu, sức lực tích cóp vun trồng của người dân nơi đây lại vuột trôi theo dòng nước. Do vậy, núi mỗi ngày mỗi lớn lên, đất mỗi ngày mỗi cằn cỗi khiến đói nghèo mãi bủa vây cuộc sống. Nhưng rồi, mọi thứ đều có cách hóa giải để tồn tại, để phát triển, đó là quy luật sống còn, mà người Cao Sơn vốn dĩ biết vượt lên trong gian khó bằng ý chí, sự kiên cường.

Bên nương chè xuân.

Bên nương chè xuân.

Cao Sơn có 3 dân tộc sinh sống, người Mông chiếm 98%, còn lại là người Nùng và người Kinh; tỷ lệ nghèo vẫn ở mức cao (49,46%). Đứng dưới tán cây đào cổ thụ vương đỏ cánh hoa ngay bên sân trụ sở xã, ông Thào A Sáu, Chủ tịch UBND xã tâm sự: Những năm trước, cuộc sống của người dân Cao Sơn vô cùng vất vả bởi đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống tự cung, tự cấp bao đời thành nếp ăn, nếp ở của người dân nơi đây. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp do việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hạn chế, chưa có sản phẩm đặc hữu cạnh tranh trên thị trường. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân Cao Sơn đã thay đổi nhờ có nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cao Sơn được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Địa phương đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của chính mảnh đất này để phát triển kinh tế - xã hội. Đó là rừng, là những cây trồng, vật nuôi bản địa, là phong cảnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa...

Bên mâm cỗ ngày Tết, ông Thào A Sáu nâng chén rượu đầu xuân mời khách trong cảm xúc lâng lâng: Người Cao Sơn giờ đây cũng đỡ khổ nhiều rồi! So với nơi khác thì vẫn còn vất vả lắm đấy nhưng chúng tôi không nản, khắc đi khắc đến, kiên trì, đồng lòng thì núi có cao mấy cũng thấp thôi mà! Cái lý người vùng cao là thế, nói ít hiểu nhiều, nói là làm, như dao chém đá, như đinh đóng cột...

Từ một vùng chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa nương èo ọt, sản lượng thấp, nay Cao Sơn đang “tiến quân” theo nhiều mũi phát triển cây trồng, trong đó có sự liên kết với các doanh nghiệp, điển hình như việc triển khai đề án liên kết với Công ty Mai Anh - Hà Nội để trồng cây su su, cây mận Tả Van, cây sa nhân tím… Đặc biệt, cây chè Ô long chất lượng cao đã và đang là cửa mở đuổi đói nghèo, do đặc thù khí hậu, thời tiết, độ ẩm và số giờ nắng trong năm là yếu tố lý tưởng làm nên hương thơm, vị đượm của chè Ô long Cao Sơn. Hiện xã đã trồng được 183,53 ha, trong đó có gần 30 ha được thu hoạch với sản lượng bình quân 1,1 tấn/ha, đem về nguồn thu ổn định cho người trồng chè nơi đây. Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích để đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của địa phương.

Chúng tôi theo chân ông Giàng Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã lên thăm những đồi chè ở thôn Pa Cheo Phìn A và thôn Thào Chư Phìn B. Những đồi chè đang ngủ đông để chờ mưa xuân đâm đọt búp, đều tăm tắp ôm trọn vòng sườn núi như những khuông nhạc xuân. Những hộ như Thào Páo Gièng, Thào Páo Sinh, Giàng Dính, Giàng Binh, Sùng Sinh… luôn đi đầu trong phong trào trồng chè ở địa phương.

Chị Giàng Dính, ở thôn Thào Chư Phìn B bảo: Mảnh đất này trước trồng ngô rất vất vả, bây giờ mình trồng chè hái búp, thu được nhiều tiền hơn nên vui lắm!
Những hộ tiên phong trong phát triển cây chè như những ngọn đuốc thắp lửa ấm trên núi Cao Sơn, tạo niềm tin cho nhiều người dân làm theo, bảo sao mà lòng người không vui cho được!

Trong chuyến du xuân, tôi phát hiện có một thung lũng hoa anh đào trải dài đang chớm nở. Loài hoa ngoại nhập của Công ty TNHH Mường Hoa, một cơ sở thu mua chế biến chè Ô long mới thành lập tại địa phương. Đây là cầu nối quan trọng giữa nông dân với thị trường, giúp người dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Theo chị Khổng Thị Vân, cán bộ của công ty thì toàn bộ dây chuyền, thiết bị chế biến đều theo công nghệ Đài Loan. Công ty đang mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu chế biến khi diện tích chè tăng, đồng thời sẽ xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái. Cô cũng cho biết loài hoa anh đào mà công ty đang nhân giống vừa để phục vụ trồng trên các lô chè chắn gió, vừa để bán giống.

Nâng chén chè Ô long đậm đà hương thơm, vị ngọt đọng lại nơi cổ họng mà cảm thấy ấm tình người xứ núi. Tôi đang nghĩ đến một tương lai sáng tươi cho vùng đất này. Những tour du lịch cộng đồng sẽ đưa du khách đến đây khám phá chợ phiên, thưởng thức ẩm thực từ sản vật địa phương, khám phá bản sắc văn hóa người Mông và tham quan những nương chè xanh ẩn hiện trong mây núi.

Cao Sơn nơi nhấp nhô sóng núi tựa như con rồng xám khổng lồ đang bay trong bồng bềnh mây trắng. Cao Sơn trập trùng núi non đang vươn lên khởi sắc trên con đường mới…

Công Thế

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/trap-trung-cao-son-z36n20200109122803509.htm