Trật tự tài chính mới mở ra nhiều cơ hội cho Mỹ Latinh

Ngày càng có nhiều nhà quan sát nhận ra rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi có sự hiện diện ngày càng tăng không chỉ trong hoạt động kinh tế và thương mại mà còn trong thị trường tài chính.

Đồng tiền mệnh giá 100USD. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 100USD. Ảnh: THX/TTXVN

Những thay đổi về địa lý của dòng vốn và thương mại được cho là sắp diễn ra trong thập kỷ tới có thể mang đến cơ hội để các nước Mỹ Latinh thu hút thêm vốn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng ảnh hưởng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Đây là một trong những thông tin được Trưởng đại diện của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) khu vực châu Mỹ Alexandre Tombini chia sẻ tại Hội nghị thường niên lần thứ 15 của Ngân hàng trung ương Peru. Trong bài phát biểu của mình, Trưởng đại diện Tombini đã phân tích về việc địa lý của dòng vốn toàn cầu đã thay đổi như thế nào trong thập kỷ qua.

Thứ nhất, ngày càng có nhiều nhà quan sát nhận ra rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi có sự hiện diện ngày càng tăng không chỉ trong hoạt động kinh tế và thương mại mà còn trong thị trường tài chính.

Các nền kinh tế thị trường mới nổi - bao gồm cả các nền kinh tế ở châu Mỹ - nắm giữ một phần đáng kể trái phiếu kho bạc của Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác. Hơn nữa, các khu vực như Mỹ Latinh là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia hoạt động trên toàn cầu và ngày càng có nhiều công ty trong số đó trở thành trụ sở của các tổ chức tài chính hoạt động trong khu vực tương ứng của họ hoặc thậm chí trên toàn thế giới.

Thay đổi thứ hai là hậu quả của hàng loạt xung đột thương mại gần đây giữa các nền kinh tế chủ chốt và sự gia tăng căng thẳng địa chính trị. Cùng với một số xu hướng cơ cấu quan trọng, điều này dẫn đến việc tái tổ chức các dòng chảy thương mại và ở mức độ thấp hơn là đầu tư.

Việc cơ cấu lại được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực thương mại. Kể từ năm 2018, khi Mỹ lần đầu áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc đã giảm mạnh, trong khi nhập khẩu hàng năm của Mỹ từ Trung Quốc cũng lao dốc. Và điều này sẽ tiếp tục xảy ra. Những xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Mexico và Canada được hưởng lợi không nhiều, nhưng cũng đủ để Mexico vượt qua Trung Quốc trở thành nguồn nhập khẩu chính của Mỹ vào cuối năm 2023.

Trên thực tế, hầu hết các nước Mỹ Latinh (trừ Mexico) đều tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu như nhiên liệu, kim loại và thực phẩm. Chưa đến 1/3 hàng xuất khẩu từ Brazil, Argentina và Colombia được liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu, so với 60% ở Việt Nam. Mexico nằm ở giữa, với 46% kim ngạch xuất khẩu được liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Không giống như những thay đổi trong dòng chảy thương mại, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp vào Trung Quốc thấp hơn không được bù đắp bằng dòng vốn cao hơn ở các quốc gia khác. FDI vào Mỹ Latinh trong năm 2022 và 2023 gần như ngang bằng với giá trị được ghi nhận trong những năm trước, trong khi đầu tư vào danh mục nợ thấp hơn đáng kể.

Thống kê chính thức cho thấy vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latinh năm 2023 đạt hơn 184,3 tỷ USD, giảm 9,9% so với năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của thập kỷ trước đó. Mỹ và Liên minh châu Âu là các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Mỹ Latinh trong năm 2023, chiếm lần lượt 33% và 22% tổng FDI vào khu vực.

Trong khi đó, nguồn vốn Trung Quốc rót vào Mỹ Latinh giảm đáng kể trong năm 2023. Báo cáo của Ủy ban kinh tế về Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng 46% dòng tiền trên tập trung đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt tại các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên với giá nhân công rẻ. Mục tiêu của các dự án đầu tư này nhằm đạt nguồn thu tăng, đa dạng hóa, mở rộng quy mô sang các lĩnh vực có lao động có trình độ cao hơn, đồng thời phát triển công nghệ và chuỗi sản xuất. ECLAC cũng nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ Latinh trong năm 2024 từ mức 1,9% ước tính hồi đầu năm lên 2,1%.

Theo chuyên gia Tombini, vẫn còn quá sớm để khẳng định Mỹ Latinh sẽ trở thành khu vực chủ chốt trong hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng chắc chắn rằng một số thay đổi địa lý về dòng vốn thương mại sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới và mang lại cơ hội tăng trưởng mới cho khu vực Mỹ Latinh.

Việt Hùng (P/v TTXVN tại La Habana)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trat-tu-tai-chinh-moi-mo-ra-nhieu-co-hoi-cho-my-latinh/343172.html