Trẩy hội mùa xuân
Mùa xuân - mùa của một khởi đầu đẹp đẽ và mùa bắt đầu lễ hội. Giữa đất trời ấm áp, người thiếu nữ đôi má hây hây, du xuân cùng người thân và mong một năm mới bình an, khỏe mạnh.
Lễ hội khai hạ suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) thu hút đông đảo Nhân dân, du khách tham dự.
Sáng sớm tinh mơ ngày 8 tháng Giêng, em Quách Thị Thương, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đã sửa soạn, chuẩn bị khăn áo cùng bố mẹ trẩy hội mùa xuân - khai hạ lễ hội suối cá thần Cẩm Lương. Tự hào quê hương vẫn còn gìn giữ lễ hội truyền thống, vì vậy năm nào Thương cũng cùng gia đình về suối cá thật sớm để hòa cùng dòng người vui lễ hội. Đến với lễ hội, em và gia đình thắp nén hương thơm tại đền thờ Thủy Phủ Long Vương bên cạnh suối Ngọc dưới chân núi Trường Sinh. Ngôi đền thờ thần rắn, thần cá để mong một năm mới bình an, khỏe mạnh. Lễ hội khai hạ gắn với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập mường, tưởng nhớ vị thần rắn đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước trong sạch để sinh hoạt, mùa màng tươi tốt. Đến với lễ hội, Thương hiểu hơn về những nghi thức tế lễ do các cụ cao niên trong thôn thực hiện, được hòa mình vào các trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ như đẩy gậy, ném còn... mang lại tiếng cười rộn vang, tâm hồn vui tươi chào xuân mới.
Thanh Hóa với hơn 1.500 di tích lịch sử, văn hóa và nhiều di tích tự hào bởi gắn với những lễ hội truyền thống diễn ra trong năm, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là dịp đầu xuân. Những ngày xuân, lên rừng rồi xuống biển. Ở vùng miền núi, đồng bằng, ven biển xứ Thanh đặc sắc với các lễ hội khai hạ suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), lễ hội Mường Đòn (Thạch Thành), lễ hội Mường Xia (Quan Sơn), lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Phủ Na (Như Thanh), lễ hội đền Khe Rồng (Như Thanh), lễ hội đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), lễ hội đua thuyền truyền thống sông Yên (Quảng Nham)... Ở mỗi địa phương, vùng miền, lễ hội diễn ra mang nét đặc trưng riêng, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây.
Theo thông lệ, lễ hội đền Nưa - Am Tiên chính thức được mở vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm, ngày “mở cổng trời” là ngày cho phép du khách lên thắp hương ở khu huyệt đạo và kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Tuy nhiên, ngay từ những ngày mùng 2, mùng 3 tết, khách hành hương đã nườm nượp về đây để chiêm bái, thắp hương cầu xin cho quốc thái dân an, nhà nhà may mắn và cầu tài, cầu lộc, cầu đỗ đạt, cầu duyên, cầu tình... Những ngày này, bãi giữ xe luôn đông nghịt, tuy nhiên, dù đông đúc, nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy, cảnh “chặt chém” không xảy ra, mọi việc vẫn diễn ra trong trật tự. Tọa lạc trên đỉnh Ngàn Nưa thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh (Triệu Sơn), quần thể di tích lịch sử quốc gia “Núi Nưa - đền Nưa - Am Tiên” là một địa danh nổi tiếng thu hút du khách bốn phương. Đây vừa là nơi thờ Bà Triệu, vừa là 1 trong 3 huyệt đạo được xem là linh thiêng bậc nhất nước Nam. Lễ hội là hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của nữ tướng Triệu Thị Trinh và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; là dịp quảng bá nét đẹp về đất và người Thanh Hóa; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân. Đến với lễ hội đền Nưa - Am Tiên, du khách được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của xứ Thanh..., thắp nén hương thơm và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.
Xuôi về vùng biển Quảng Xương, những ngày đầu năm mới cảm nhận không khí sôi nổi của lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Yên, xã Quảng Nham. Từ lâu, ngày hội đua thuyền đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống ở xã Quảng Nham trong những ngày đầu năm, như một món ăn tinh thần của những ngày đón xuân, mừng ngày thành lập Đảng. Trong tiếng trống khai hội, tiếng reo hò, cổ vũ của người dân, những chiếc thuyền đua rẽ sóng lao về phía trước mang theo niềm cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, công việc may mắn của ngư dân miền biển. Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Quảng Nham mang đậm sắc thái văn hóa của ngư dân vùng biển xứ Thanh vào dịp đầu xuân. Theo quan niệm, việc tổ chức lễ hội đua thuyền đầu năm sẽ mang lại sự may mắn cho ngư dân có một năm thuận buồm xuôi gió, khai thác hải sản bội thu.
Nhằm đảm bảo cho Nhân dân, du khách đến với các di tích lịch sử, tham gia lễ hội an toàn, tiết kiệm, phấn khởi, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục, tập quán, các cấp, ngành chức năng, các địa phương đã chỉ đạo ban quản lý di tích thực hiện nhiều biện pháp thiết thực trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; an toàn thực phẩm; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng mùa lễ hội để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm... để mùa xuân trẩy hội thêm ý nghĩa.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-den/tray-hoi-mua-xuan/178383.htm