Trẻ bị thủy đậu có nên tắm không?

Khi bị thủy đậu cần kiêng tắm, quan niệm này liệu có đúng? Việc tắm có làm thủy đậu trở nặng hơn hay không?

Trẻ bị thủy đậu có nên tắm

Dân gian vẫn thường quan niệm khi mắc thủy đậu trẻ cần chùm kín chăn, kiêng tắm kiêng gió để tránh phát "rạ" nhiều hơn. Tuy nhiên theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương ngày xưa các cụ kiêng nước kiêng gió vì sợ nhiễm lạnh sau khi mắc thủy đậu sẽ gây các biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy. Tuy nhiên hiện tại điều kiện phòng tắm, vệ sinh ngày càng tốt nên không cần kiêng tắm.

Ngược lại, nếu không tắm sẽ gây mất vệ sinh ở trẻ, nhất là bẩn trên bề mặt da. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng sau khi mắc thủy đậu. Thậm chí có thể bị nhiễm trùng toàn thân khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ mắc thủy đậu vẫn phải tắm. Tuy nhiên cần tắm nhanh để trẻ không bị nhiễm lạnh, tắm ở những nơi kín gió, nhiệt độ ấm.

Trẻ bị thủy đậu bao lâu thì khỏi?

Bệnh thủy đậu thường mắc một lần trong đời. Đối với các bệnh nhi khỏe mạnh, khi mắc thủy đậu sẽ điều trị theo triệu chứng. Chủ yếu bệnh nhi sẽ dùng thuốc hạ sốt là chính. Nếu trẻ được vệ sinh kỹ, không cậy các mụn nước thông thường bệnh thủy đậu sẽ khỏi trong vòng từ 3-5 ngày từ sau khi phát bệnh.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương giải đáp thắc mắc về bệnh thủy đậu ở trẻ.

Trẻ bị thủy đậu kiêng gì để nhanh khỏi không để lại sẹo

Thủy đậu được xem là bệnh lành tình và có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên cha mẹ không nên quá chủ quan khi trẻ mắc thủy đậu. Để tránh các biến chứng xảy ra trong quá trình chăm sóc trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

Cần tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ

Cần tắm cho trẻ, lưu ý lựa chọn nơi kín gió, ấm áp, tắm nhanh để trẻ không nhiễm lạnh. Khi tắm nên dùng nước ấm, và nên thay quần áo, tắm rửa hàng ngày cho trẻ. Sau khi tắm và lau khô da có thể sử dụng một số loại thuốc sát trùng thông dụng như xanh methylene, betadine để chấm lên các nốt mụn nước.

Không chọc, làm vỡ các mụn nước

Thủy đậu có thể gây ra những biến chứng xuất phát từ việc vệ sinh không tốt. Từ đó, gây nhiễm trùng toàn thân như: nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm phổi. Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc thủy đậu, vệ sinh bề mặt da là quan trọng nhất. Phụ huynh cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ. Cha mẹ cần thao tác nhẹ nhàng, không chà xát làm vỡ các bọc mụn ra. Lưu ý không để trẻ cậy các bề mặt mụn nước. Nếu cậy mụn nước dễ gây bội nhiễm và để lại sẹo.

Trong trường hợp trẻ bị thủy đậu và xuất hiện tình trạng ngứa dẫn tới phản xạ gãi các mụn nước, thì có thể dùng thuốc histamin để giảm ngứa.

Trẻ mắc thủy đậu nên tắm nhanh, chọn nơi kín gió và ấm áp.

Trẻ mắc thủy đậu nên tắm nhanh, chọn nơi kín gió và ấm áp.

Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị thủy đậu

Cha mẹ cần lưu ý bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch để trẻ nhanh hồi phục. Hạn chế đồ nhiều dầu mỡ cay nóng khiến khó tiêu, bánh kẹo ngọt, nước ngọt có gas.

Không nên đưa trẻ tới nơi đông người

Cha mẹ cần cách ly trẻ từ 7- 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh. Đồng thời vệ sinh bề mặt tiếp xúc của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn (đồ chơi, bàn ăn, sàn nhà…)

Dấu hiệu bất thường

Nếu trẻ bị thủy đậu và sốt cao không dứt, có dấu hiệu lơ mơ, co giật… cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tiêm phòng vaccine phòng thủy đậu

Trẻ cần được tiêm phòng vaccine phòng thủy đậu đầy đủ để ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh.

Kim Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-thuy-dau-co-nen-tam-khong-169230328213717867.htm