Trẻ bị tiêu chảy trong mùa hè, cha mẹ hãy làm ngay các điều sau
Tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ em và xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy, khi thấy trẻ mắc tiêu chảy, cha mẹ cần biết cách xử trí đúng và chăm sóc hợp lý.
Vì sao mùa hè trẻ hay bị tiêu chảy?
Mùa hè, thời tiết nắng nóng nên thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc... khiến cho thức ăn dễ bị ôi thiu. Nếu trẻ ăn phải các loại thực phẩm này sẽ dẫn đến tình trạng tiêu chảy. Trong khi đó, thời tiết oi nóng cũng là điều kiện để ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở, làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống.
Người ta ghi nhận trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, nếu ăn uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn sẽ dễ mắc phải tiêu chảy. Tiêu chảy ở trẻ nhỏ cũng chính là dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột, do nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, kiết lỵ; Virus đường ruột: Rotavirus; Ký sinh trùng đường ruột. Ngoài ra, có thể do nhiễm độc hóa chất, dị ứng thức ăn.
Đối tượng trẻ dễ mắc tiêu chảy trong mùa nóng là từ 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch.
Điều quan trọng bệnh tiêu chảy thường lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, chủ yếu là đường phân - miệng qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Do đó, nếu thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh; Không rửa tay, vệ sinh dụng cụ chế biến thức ăn; Không bảo quản thức ăn đúng cách (ruồi nhặng bâu đậu, thức ăn để lâu, để ở nhiệt độ không đúng quy định)… sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
Tiêu chảy khiến trẻ dễ tử vong
Tình trạng tiêu chảy khiến trẻ bị mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn. Khi các vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường ruột, nếu chúng mạnh hơn hoặc sức đề kháng cơ thể kém, chúng sẽ lấn át các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây tiêu chảy.
Trường hợp trẻ bị tiêu chảy không được chăm sóc đúng và điều trị hợp lý, trẻ sẽ bị "mất nước", có thể dẫn đến tử vong. Các công trình nghiên cứu về bệnh tiêu chảy đã chứng minh, có tới 70% số tử vong là do mất nước. Số còn lại do các nguyên nhân nhiễm độc, viêm phổi…
Vì vậy, nếu trẻ có các biểu hiện sau cha mẹ cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị đúng.
- Trẻ xuất hiện tình trạng đầy bụng, sôi bụng.
- Tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: Phân toàn nước đục như nước vo gạo).
- Trẻ có biểu hiện nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt.
- Trẻ quấy khóc, người mệt lả.
- Xuất hiện tình trạng mất nước, trẻ sẽ khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ… và có thể dẫn đến tử vong.
Thông thường khi trẻ bị tiêu chảy các trường hợp đều được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Việc chăm sóc đúng đóng vai trò vô cùng quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy, bởi sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Những điều cha mẹ cần lưu ý khi trẻ bị tiêu chảy:
- Cho trẻ uống bù nước, tránh tình trạng mất nước dẫn đến suy kiệt, hôn mê. Đối với trẻ lớn hơn (trên 6 tháng đến 5 tuổi) có thể bù nước bằng đường uống với bất kỳ loại nước uống nào trẻ thích, chẳng hạn như nước súp, nước cháo muối, nước gạo rang, nước dừa… hoặc dung dịch Oresol. Tốt nhất là sử dụng dung dịch Oresol, vì áp lực thẩm thấu thấp (dễ mua và dễ sử dụng, đảm bảo đủ nước, năng lượng và điện giải cần thiết).
- Nếu trẻ còn đang bú mẹ thì mẹ sẽ cho trẻ bú nhiều hơn, bú bất kể khi nào trẻ có nhu cầu (vì sữa mẹ cũng giúp cung cấp hàm lượng nước và điện giải đáng kể).
Lưu ý sử dụng Oresol đúng cách theo hướng dẫn, không được chia nhỏ gói để pha nhiều lần. Dung dịch Oresol đã pha được sử dụng để uống không được để quá 24 giờ; dịch Osesol đã pha sau 24 giờ không uống hết thì nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh cho trẻ uống dần, không đun sôi dung dịch đã pha.
- Không dùng thuốc chống nôn và không dùng kháng sinh khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
- Chế độ ăn rất quan trọng khi trẻ mắc tiêu chảy. Việc chăm sóc trẻ tiêu chảy cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu trẻ đang bú mẹ thì mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú thường xuyên hơn. Mẹ nên bổ sung chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, giúp sữa có giá trị dinh dưỡng tốt nhất. Còn với trẻ đang ăn dặm, cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng để dễ hấp thu giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng.
Cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ với liều lượng từ 10 - 20mg mỗi ngày hoặc có thể lựa chọn thêm một số thực phẩm giàu kẽm để bổ sung vào chế độ ăn của trẻ.
- Cần lưu ý vệ sinh cho trẻ đúng cách
Khi trẻ mắc tiêu chảy cần giữ vệ sinh cho trẻ, đây là nguyên tắc quan trọng. Người chăm sóc trẻ phải vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với chất thải của trẻ (chất nôn, phân) bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn tay nhanh. Dụng cụ, đồ dùng của trẻ được rửa sạch sẽ. Bỉm và chất nôn phải được xử lý hợp vệ sinh, tránh gây tái nhiễm hay lây lan mầm bệnh cho người chăm sóc.
Phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ
Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý nuôi con bằng sữa mẹ: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, không cho ăn dặm quá sớm.
Cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng, ăn đủ chất, đủ lượng. Chế biến bảo quản thức ăn hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cần rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh trước khi làm thức ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ. Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, xử lý an toàn phân trẻ bị tiêu chảy.
Cho trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ, đặc biệt vaccine sởi, vaccine Rota, thương hàn, tả.
Tóm lại: Tiêu chảy cấp là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, nếu được phát hiện, theo dõi, chăm sóc, điều trị, phòng bệnh tốt, bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, nếu không trẻ có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong. Do đó, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý và đưa trẻ đi khám kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video: