Trẻ cần được theo dõi kỹ trong 3 ngày sau khi tiêm vaccine Covid-19

Tỷ lệ phản vệ sau tiêm vaccine đối với nhóm trẻ 5-11 tuổi khá thấp. Tuy nhiên, phụ huynh cần đề cao cảnh giác để phát hiện sớm bất thường.

Theo thông tin được cung cấp tại buổi tập huấn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 chiều 31/3, 63 tỉnh, thành phố sẽ bắt đầu tiêm cho trẻ 5-11 tuổi từ tháng 4, ngay sau khi được cung ứng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022. Việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em trong nhóm tuổi này được yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong đó, việc theo dõi trẻ sau tiêm là một trong những vấn đề cần nhấn mạnh.

Yêu cầu cấp thiết

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là rất cần thiết, về cả trực tiếp và gián tiếp.

“Xét trực tiếp, việc tiêm vaccine Covid-19 giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ trẻ phải nhập viện do diễn biến nặng cũng như tử vong, nhất là ở các trường hợp có bệnh nền, béo phì”, ông nói.

 GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Quốc Toàn.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Quốc Toàn.

Vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh trẻ được tiêm vaccine Covid-19 sẽ giảm tỷ lệ rơi vào tình trạng viêm đa hệ thống cũng như xuất hiện di chứng hậu Covid-19. Ngoài ra, vaccine cũng giúp hạn chế nguy cơ liên quan biến chủng mới trong tương lai.

Về mặt gián tiếp, việc trẻ mắc Covid-19 và diễn biến nặng buộc phụ huynh phải nghỉ làm để chăm sóc. Đây là tác động tiêu cực về mặt xã hội có thể được hạn chế thông qua vaccine.

GS Lân cho hay: “Kết quả tiêm chủng cho nhóm từ 12 đến 17 tuổi thời gian qua ở Việt Nam là rất ấn tượng. Chúng ta gần như đã bao phủ vaccine cho toàn bộ nhóm này. Do đó, với việc tiêm cho trẻ 5-11 tuổi sắp tới, Việt Nam sẽ có được miễn dịch trong cộng đồng rất lớn”.

Đề phòng nguy cơ

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, thông qua báo cáo trên thế giới, hầu hết trẻ 5-11 tuổi sau khi tiêm vaccine Covid-19 đều chỉ gặp các phản ứng thông thường. Một số trường hợp có phản ứng bất thường nhưng tỷ lệ rất nhỏ.

“Chỉ một trường hợp trên một triệu liều vaccine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi có phản ứng phản vệ, viêm màng ngoài tim và viêm cơ tim. Tỷ lệ này ở nhóm 5-11 tuổi cũng thấp hơn nhóm trẻ lớn”, bà cho biết.

Tính tới ngày 15/3, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhà sản xuất, 66 quốc gia trên thế giới đã cấp phép lưu hành và sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em 5-11 tuổi.

Một số quốc gia đã triển khai tiêm điển hình là Mỹ, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã tiêm cả vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ nhóm tuổi này.

 PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế. Ảnh: Quốc Toàn.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế. Ảnh: Quốc Toàn.

“Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tiêm chủng và xử trí với các trường hợp phản vệ sau tiêm vaccine. Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 5 người trên một triệu liều vaccine. Tất cả trường hợp này đều đã được xử trí kịp thời và qua khỏi”, vị lãnh đạo nói.

Liên quan các phản ứng sau tiêm, tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thông qua kết quả thực nghiệm và triển khai trên thế giới, tình trạng này ở nhóm trẻ em 5-11 tuổi không khác biệt nhiều với trẻ lớn và người trưởng thành.

Cụ thể, trẻ có thể gặp một số phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại điểm tiêm nhưng biểu hiện thoáng qua và rất nhanh. Một số phản ứng toàn thân cũng được ghi nhận như mệt mỏi tương tự cúm hay sốt nhẹ trong vài ngày. Ngoài ra, tỷ lệ phản vệ sau tiêm vaccine ở nhóm trẻ 5-11 tuổi khá thấp.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Điều cần quan tâm với phản ứng sau tiêm ở trẻ em 5-11 tuổi là các biểu hiện liên quan tim mạch, viêm cơ tim. Dù tỷ lệ thấp, chúng ta vẫn phải cảnh giác để sớm phát hiện các triệu chứng như mệt mỏi sau tiêm, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực của trẻ”.

Theo ông Hải, các khuyến cáo trước đó về việc theo dõi sau tiêm vaccine cần được đề cao và thực hiện sát sao hơn với trẻ 5-11 tuổi. Cụ thể, ông nhấn mạnh phụ huynh không để trẻ một mình sau khi tiêm.

“Cha mẹ, người thân phải túc trực bên cạnh trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm. Trong thời gian này, chúng ta cần theo sát trẻ để nhận ra các phản ứng, đặc biệt liên quan tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng tương tự viêm đa cơ quan như phát ban, tổn thương niêm mạc. Đây là các dấu hiệu sớm để cảnh giác khi trẻ tổn thương những cơ quan khác”, tiến sĩ Hải nói.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-can-duoc-theo-doi-ky-trong-3-ngay-sau-khi-tiem-vaccine-covid-19-post1306403.html