Trẻ có thể khủng hoảng tâm lý và dễ tổn thương vì lời nói

Với người lớn, lời nói đôi khi chỉ là đùa cợt. Với trẻ nhỏ, lời nói có thể trở thành tai họa khiến bé bị tổn thương và khủng hoảng tâm lý nặng nề.

Mới đây, bác sĩ nhi khoa Tô Quang Huy (Hà Nội) chia sẻ về trường hợp một bệnh nhi 5 tuổi đến khám trong trạng thái sợ hãi, bất cứ tác động nào cũng có thể khiến bé khóc to và van xin, lạy.

Mẹ bé cho biết ở nhà, mọi sinh hoạt của bé đều bình thường. Ở lớp, cô giáo không làm gì bé và chính cô giáo là người phát hiện dấu hiệu bất thường này.

“Kiên nhẫn ngồi tâm sự, trò chuyện với bé đủ kiểu mới biết nguyên nhân ở người cha. Do đặc thù công việc, mẹ bé thường công tác xa. Ở nhà, nếu bé có lỗi, cha bé thường đánh rất đau. Sự xa cách của mẹ cộng với cách dạy con bằng đòn roi của cha chính là nguyên nhân khiến bé trở nên lầm lì, sợ hãi như hiện tại”, bác sĩ Huy nói.

 Trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương và khủng hoảng tâm lý do tác động vô tình từ người lớn. Ảnh: Newsthump.

Trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương và khủng hoảng tâm lý do tác động vô tình từ người lớn. Ảnh: Newsthump.

Bác sĩ Huy cho biết thêm thực tế hiện nay, nhiều người chọn cách dạy còn bằng đòn roi rất máu lạnh mà không hề nghĩ chúng làm con trẻ sợ hãi và tổn thương luôn tinh thần non nớt của đứa bé.

“Trẻ càng nhỏ, nhân sinh quan càng hạn chế và hoàn toàn tin lời người lớn. Từ những câu nói thường ngày đến những câu chuyện huyễn hoặc như ma quỷ, ông ba bị, thần tiên,… các bé đều tin là có thật. Chính vì vậy, khi phát ngôn, người lớn hãy nghĩ ngay đến trẻ vì biết đâu những câu nói đó làm tổn thương hoặc định hướng suy nghĩ lệch lạc cho chúng”, bác sĩ Huy nói.

Cách đây một tháng, chuyên viên tâm lý Phùng Thị Lụa, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cũng tiếp nhận một bệnh nhi ở Tây Ninh đến khám trong tình trạng bất thường.

Mẹ bé cho biết ở trường, con không có vấn đề bất thường nhưng khi về nhà lại cáu gắt, nóng giận và luôn cãi lời người lớn.

Sau khi hỏi chuyện, bệnh nhi cho biết do gia đình có ba chị em nhưng bé lại không được cha mẹ thương yêu. Bé hay bị la mắng và bắt làm việc nhà rất nhiều. Chính mẹ bé cũng thừa nhận việc này.

“Trẻ bị la mắng quá nhiều sẽ có tâm lý chống đối, khó dạy bảo và sống khép kín hơn do bé không cảm thấy sự an toàn. Mỗi giai đoạn tuổi, trẻ sẽ có hành vi, suy nghĩ khác. Cha mẹ cần quan tâm để thấu hiểu con, đừng đánh, mắng hay đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ”, chuyên viên tâm lý Phùng Thị Lụa nói.

Bên cạnh đó, bác sĩ Tô Quang Huy cũng khuyên rằng với người lớn, lời nói đôi khi chỉ là đùa cợt, vô tình nhưng với trẻ nhỏ, lời nói có thểtrở thành tai họa khiến bé bị tổn thương và khủng hoảng tâm lý nặng nề.

Bác sĩ Huy gợi ý một số giải pháp tránh làm tổn thương, ảnh hưởng tâm lý của trẻ nhỏ như không so bì chúng với “con nhà người ta”, không để trẻ cảm thấy tình cảm bị san sẻ hoặc bị bỏ rơi, nhất là khi mẹ sinh thêm em bé hay phân biệt nam, nữ.

Cha mẹ không nên lấy hình mẫu bảo vệ hay công an ra dọa bé. Bởi với những tình huống khẩn cấp, bé không cầu cứu những người đáng lẽ giúp đỡ được chúng.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tre-co-the-khung-hoang-tam-ly-va-de-ton-thuong-vi-loi-noi-post1020464.html