Trẻ dân tộc thiểu số tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt
Sau 1 năm thực hiện kế hoạch số 343/KH-UBND tỉnh về việc thực hiện đề án 'Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh', đến nay, các trường mầm non có trẻ em người dân tộc thiểu số có đủ các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, phù hợp theo từng độ tuổi đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 100% trường mầm non có xây dựng mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Các trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường, như thăm đồn biên phòng, làng nghề ở địa phương, di tích lịch sử… nhằm giúp trẻ mạnh dạn, tự tin giao tiếp tiếng Việt.
Các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo bố trí 1 giáo viên người Kinh và 1 giáo viên người dân tộc thiểu số trong 1 nhóm, lớp để cùng hỗ trợ nhau trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ. Đến nay, đa số giáo viên người Kinh đã hiểu được tiếng mẹ đẻ của trẻ nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong giao tiếp với trẻ hàng ngày, giáo viên sử dụng song ngữ giúp trẻ học tiếng Việt hiệu quả hơn.
Tại nhiều trường mầm non ở địa bàn khó khăn, có 100% trẻ là con em người dân tộc thiểu số cũng đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số ra lớp cao; đa số các cháu mạnh dạn, tự tin, có vốn tiếng Việt tốt và phát âm chuẩn nên dễ dàng tiếp cận, làm quen các môn khoa học, chuẩn bị tâm thế vào lớp 1.