Trẻ đuối nước: Tuyệt đối không vác chạy, dốc ngược
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết gần đây bệnh viện đã tiếp nhận 3 trẻ đuối nước trong tình trạng nguy kịch, có trẻ không qua khỏi. Vậy làm thế nào để sơ cứu đúng cách khi trẻ bị đuối nước để tăng cơ hội sống cho trẻ cũng như giảm tối đa các di chứng?
Theo PGS-TS TẠ ANH TUẤN, Trưởng Khoa Điều trị tích cực nội khoa - Bệnh viện Nhi Trung ương, trả lời: Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ôxy kéo dài vì không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách. Phổ biến là việc dốc trẻ đuối nước lên để chạy. Cách làm này khiến các dịch dạ dày chảy ngược vào đường thở, làm tình trạng càng nghiêm trọng hơn và bỏ mất thời điểm vàng để cứu tim của trẻ.
Với trẻ bị đuối nước, sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức bằng cách đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không bế dốc lên hoặc bế chạy ngược như truyền miệng. Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực bằng cách 2 bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 - 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây. Ngay sau khi hô hấp nhân tạo, cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ lồng ngực trái để cảm nhận tim còn đập hay không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ ở tư thế dẫn lưu nghiêng đầu sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.