Trẻ dương tính với khuẩn gây viêm dạ dày, tá tràng tưởng chỉ ở người lớn: Bố mẹ giật mình, bác sĩ nói không
70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn này. Đây là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư. Số trẻ em bất ngờ phát hiện nhiễm khuẩn này ngày càng tăng.
TS. BS Đặng Bùi Bảo Linh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Bình thường, hệ tiêu hóa được chia thành từng phần bao gồm ống tiêu hóa và những cấu trúc phối hợp với từng chức năng riêng. Ở trẻ em, men tiêu hóa chưa được hoàn chỉnh, dạ dày nằm ngang và cao (khoảng 7-11 tuổi thì giống người lớn), gan, chiều dài ruột tương đối lớn so với người trưởng thành…
Có khoảng 5 - 10% dân số thế giới mắc bệnh lý dạ dày, ở nước ta con số này là 7%. Một con số đáng nói khác là có đến 70% dân số nước ta mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori).
PGS.TS nhi khoa Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, trước đây, loét dạ dày - tá tràng được cho là căn bệnh ít gặp ở trẻ em. Mỗi khi trẻ đau bụng, người lớn nghĩ đến nguyên nhân khác như giun, rối loạn tiêu hóa…, nhưng thực tế, trẻ nhỏ dưới 15 tuổi cũng có thể bị loét dạ dày, tá tràng, viêm dạ dày cấp.
Một số nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn HP, do dùng thuốc sau một đợt điều trị bệnh, stress, sau một đợt phẫu thuật… Nhưng chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là do vi khuẩn HP. Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này ở bệnh nhi liên quan đến dạ dày trên 50%.
Nhiều trẻ mới học lớp 1, lớp 2 do học tập căng thẳng quá các cháu cũng bị viêm loét dạ dày và khi test thử vi khuẩn HP đều dương tính.
Gia đình ngạc nhiên vì con còn "bé tí" đã viêm dạ dày cấp, còn nhiễm HP
Mới đây, khoa Nội - nhi - đông y (BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ) tiếp nhận liên tiếp hai bé trai 5-12 tuổi vào viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ khoảng 1 tuần, ợ hơi liên tục, đau nhiều và tăng dần. Xét nghiệm cho thấy hai bé đều dương tính với khuẩn HP.
Các bác sĩ tại đây nhận định việc các bé có độ tuổi nhỏ phải nhập viện điều trị viêm dạ dày và nhiễm vi khuẩn HP không còn hiếm và ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Khoa này thường xuyên tiếp nhận các trường hợp như vậy và đa phần gia đình rất bất ngờ khi con, em mình bị bệnh về dạ dày khi còn nhỏ như vậy.
Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm, đặc biệt trẻ em bằng nhiều cách khác nhau như ăn thực phẩm không được làm sạch, không được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn, không rửa tay trước khi ăn, tiếp xúc nước bọt: hôn, dùng chung đồ ăn hoặc bàn chải đánh răng với người nhiễm vi khuẩn HP.
Hơn nữa, hệ miễn dịch của trẻ em còn rất yếu vì vậy rất dễ lây nhiễm và khi bị nhiễm sẽ diễn biến bệnh rất nhanh.
Vi khuẩn HP là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm, loét dạ dày, tá tràng. Khi trẻ bị các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng).
Cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh cho con, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân của con, không dùng chung muỗng, thìa, bát,…thực hiện ăn sạch, uống sạch, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Đặc biệt tránh nhai cơm, hôn trẻ vì đó là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP nhanh nhất.
Nếu trẻ bị nhiễm HP, bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị. Nếu trẻ bị viêm loét cần điều trị sớm. Hiện nay, việc điều trị nhiễm Hp kéo dài khoảng 2 tuần với thuốc đặc trị.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện trẻ sau một đợt điều trị với thuốc không đỡ phải dùng thêm nhiều lần và theo dõi lâu dài. Tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ em mắc bệnh lý dạ dày do nhiễm HP đang gia tăng.
Để phát hiện vi khuẩn HP, có rất nhiều phương pháp, thường dùng: Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân.