Trẻ em bị xâm hại: Gia đình chưa phát huy hết vai trò
'Những hiện tượng bé gái bị xâm hại gây bức xúc xã hội đã nói lên điều gì? Nó phản ánh sự suy đồi về nhân cách làm người'.
Nhà nghiên cứu Tuấn Giang đề cập như trên tại hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” diễn ra ngày 28-6 tại TP Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Tuấn Giang đưa ra một số lý giải, trong đó cho rằng: Cấu trúc xã hội chưa ổn định, đang trong quá trình hình thành mọi nền tảng về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật và xã hội theo chuẩn mực mới. Nền văn hóa con người mới trong xã hội đương đại chưa đủ mạnh để làm nền tảng phát triển nhân cách con người mới.
“Thời bao cấp, công nhân nữ đi làm ca 1, 2 giờ đêm cuốc bộ hai, ba cây số, đêm khuya thanh vắng đi về một mình kéo dài hết tuổi thanh xuân đến tuổi nạ dòng vẫn bình yên. Bây giờ thì nhiều vụ việc kể trên đã xảy ra mất nhân tính trong quan hệ gia đình, gia tộc huyết thống, cứ như việc xâm hại trẻ em ấy là quy luật tự nhiên ấy” - nhà nghiên cứu Tuấn Giang bày tỏ.
Còn theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông thì thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về pháp luật, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu.
Tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình nạn nhân. Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử.
Cũng dựa trên quan điểm này, bà Mai Thị Phương Hoa (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đưa ra nhận định qua theo dõi, giám sát các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nhận thấy gia đình trong một số trường hợp chưa phát huy được vai trò của mình.
Bà Hoa dẫn chứng nhiều gia đình không phát hiện ra con em mình bị xâm hại, khi phát hiện thì không lập tức đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khai báo, thậm chí có tâm lý e dè, lo ngại, sợ ảnh hưởng đến uy tín của con mình và uy tín của gia đình.
Theo bà Hoa, trong nhiều trường hợp, người thân không dũng cảm tố giác tội phạm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo bà thì đây là vấn đề cần đặt ra và suy nghĩ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/tre-em-bi-xam-hai-gia-dinh-chua-phat-huy-het-vai-tro-843008.html