TRẺ EM CẦN ĐƯỢC GIÁO DỤC KỸ NĂNG TỰ BẢO VỆ

Góp ý kiến tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực trong gia đình, ngoài nâng cao ý thức cho cộng đồng, bản thân trẻ nhỏ cũng phải được giáo dục kỹ lưỡng để nhận thức và tự bảo vệ mình.

Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu

Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Điều này đã phản ánh thực tế rằng, gia đình không hẳn là nơi an toàn nhất với trẻ em, ít nhất là đối với một bộ phận trẻ em. Nhỏ bé, yếu ớt, không sức kháng cự, không quyền lực. Trong bối cảnh nói chung và đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, trẻ em dễ trở thành đối tượng trút giận của bố mẹ khi họ gặp áp lực, khó khăn trong cuộc sống, ví dụ như thất nghiệp. Nhiều em còn bị bạo hành không lý do.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu, mặc dù, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và có nhiều chính sách bảo vệ. Nhiều văn bản pháp luật, phiên giải trình, giám sát tối cao về nội dung này đã được triển khai, ban hành. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua nhiều vụ việc liên quan đến nạn bạo lực và xâm hại trẻ em vẫn xảy ra với tính chất nghiêm trọng, nổi cộm. Các vụ việc gây nhức nhối trong dư luận xã hội, tạo nên làn sóng bất an trong thời gian gần đây như: Vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết tại thành phố Hồ Chí Minh; vụ bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh ở đầu tại Hà Nội…

Đại biểu cho rằng, chúng ta cần đánh giá tình hình xâm hại, bạo lực trẻ em sao cho khách quan, đúng mức. Rất lâu rồi mới thấy những vụ việc nghiêm trọng như vậy. Chúng ta cần tìm được nguyên nhân gốc rễ từ đây? Có phải đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới kinh tế gia đình, gây ra sự căng thẳng rồi trút giận lên con trẻ? Những vụ bạo hành gần đây có nguyên nhân từ vấn đề kinh tế hay không?

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Năm 2022 là năm đại dịch COVID-19 thứ 3. Rất có thể trẻ em sẽ còn phải ở nhà nhiều hơn ở trường, rất có thể sẽ có thêm những ông bố, bà mẹ vì áp lực cơm áo gạo tiền mà trút giận lên con. Nhưng bằng mọi cách, chúng ta cần tránh để xảy ra thêm những trường hợp đau lòng như những vụ việc vừa qua. Bạo hành trẻ em cũng là một thứ dịch bệnh cần được cả xã hội phòng và chống, quyết liệt như chống COVID-19.

Các đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam có Hiến Pháp; có Luật Trẻ em; có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; có các hiệp hội bảo vệ, bảo trợ trẻ em; có Tổng đài Bảo vệ trẻ em… Khung pháp lý nhiều nhưng chưa hiệu quả trong răn đe, phòng ngừa các vụ bạo hành trẻ em. Các đại biểu cho rằng, để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình, cần sự vào cuộc của cả xã hội, cộng đồng. Mọi người trong xã hội đều cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, cho dù là con cháu mình hay con cháu người khác.

Và đặc biệt, ngoài nâng cao ý thức cho cộng đồng, bản thân trẻ nhỏ cũng cần phải được giáo dục kỹ lưỡng để nhận thức và tự bảo vệ mình. Ví dụ như phải làm gì khi bị bạo hành, phải tìm tới ai, phải gọi số nào… Từ 3 tuổi, trẻ đã có thể tự đi chơi hoặc tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Xã hội ngày càng trở nên đa dạng và những người có hành vi xấu có thể luôn ở quanh bé, thậm chí ngay ở gia đình. Do vậy, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân trẻ nhỏ từ sớm là vô cùng quan trọng./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=62254