Trẻ em có nên quy y?
Noa Jones là Giám đốc điều hành của Middle Way Education (Giáo dục Trung đạo) và là tác giả của How do you know what you know? Bà hiện đang cộng tác với một nhóm các nhà giáo dục và khoa học để tạo ra một chương trình giảng dạy toàn diện có thể được sử dụng trong nhiều môi trường học tập và văn hóa khác nhau.
Bà có bằng thạc sĩ về Văn chương Sáng tạo tại Hunter College và bằng thạc sĩ Giáo dục tại Đại học Pennsylvania. Các bài viết của bà đã xuất hiện trên The NewYork Times, The Los Angeles Times, Vice, Tricycle và nhiều tạp chí khác.
Bạn có bao giờ đến chùa và thấy trẻ nhỏ - ngay cả trẻ còn mặc tã - lễ lạy chưa? Rất dễ thương. Chúng chắp hai bàn tay nhỏ bé vào nhau, rồi thả tay xuống sàn, nằm thẳng, rồi ngồi lên. Đôi khi đó là thói quen đẩy chúng nằm xuống của cha mẹ, đôi khi chúng được người lớn xung quanh khuyến khích. Đôi khi chúng bập bẹ các giới quy y bằng những ngôn ngữ mà chúng có thể hiểu hoặc không hiểu. Đôi khi chúng quên mình đang làm gì, chỉ nằm đó, nhìn chằm chằm xuống sàn cho đến khi ai đó nhắc nhở chúng đứng lên.
Rất có thể là chúng đang tham gia vào văn hóa gia đình hoặc quốc gia, theo gương của những người xung quanh. Ít có khả năng là chúng đang thực sự cúng dường thân, khẩu và ý cho Phật, Pháp và Tăng. Nhưng chắc chắn là chúng đang làm hài lòng những người lớn xung quanh, bằng chứng là những tiếng dỗ dành vui vẻ, và những lời khen nựng. Con trẻ biết vâng lời là điều quý như vàng, nên mọi người đều vui vẻ.
Thời gian làm việc với những người trẻ trong môi trường Phật giáo phương Tây, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc khuyến khích trẻ em quy y. Tất nhiên, ở các quốc gia có truyền thống theo Phật giáo, việc lạy Phật, việc tụng niệm phát nguyện là điều tự nhiên ở mọi lứa tuổi:
Con xin quy y cho đến khi giác ngộ.
Nhờ công đức của việc bố thí và những thứ khác,
Nguyện cho con đạt được Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Nhưng chính Đức Phật đã dạy, luôn xem xét hành động của bản thân để chúng phù hợp với niềm tin là tốt hơn cả. Vì vậy, những người có trách nhiệm giáo dục trẻ vẫn có thể tìm thấy giá trị trong nhiều điều khác trước khi thúc giục con trẻ lễ lạy.
Chúng đang tham gia vào văn hóa gia đình hoặc quốc gia, theo gương của những người xung quanh. Ít có khả năng là chúng đang thực sự cúng dường thân, khẩu và ý cho Phật, Pháp và Tăng. Nhưng chắc chắn là chúng đang làm hài lòng những người lớn xung quanh, bằng chứng là những tiếng dỗ dành vui vẻ, và những lời khen nựng. Con trẻ biết vâng lời là điều quý như vàng, nên mọi người đều vui vẻ.
Ngay cả khi con trẻ không hiểu ý nghĩa, việc quy y vẫn có thể giúp chúng phát triển thiện duyên với Phật pháp. Chắc chắn là chúng đã có thiện duyên gì đó, nên chúng mới sinh ra trong gia đình Phật giáo, hoặc thấy mình ở trong cảnh chùa. Tham dự các nghi thức và phát nguyện quy y có thể làm tăng công đức và tạo ra những hoàn cảnh tốt lành, hoàn hảo để chúng quyết tâm quy hướng Tam bảo trong tương lai.
Trước đây khi ở Colorado, tôi đã đặt câu hỏi với Elizabeth Mattis Namgyal rằng - trẻ em có nên quy y không?- bà ấy đã trả lời một cách thấu đáo. “Phải có điều gì đó xảy ra trước khi việc quy y thực sự có thể diễn ra. Một loại tiền quy y”. Bà tiếp tục mô tả tiền quy y như một trạng thái thất vọng, chán nản. “Diễn tả hơi thô về tiền quy y; có nghĩa là bạn phải đối mặt với những gì đáng thất vọng về cuộc sống. Bạn phải có chút khổ”. Bà giải thích rằng sự quy y chân thật đòi hỏi chúng ta phải thấy rằng ta không còn có thể bắt thế giới chịu trách nhiệm về sự đau khổ của mình. Pháp (Dhamma) là một nơi nương tựa vì nó rèn luyện chúng ta buông bỏ kỳ vọng đó và sự thất vọng do kỳ vọng đó dẫn đến.
Như thế quy y trước khi có tâm chán sự đời có nguy hiểm gì không? Nếu trẻ em làm theo sự dẫn dắt của người lớn, bắt chước quy y, một ngày nào đó chúng sẽ bắt đầu phát triển nhận thức về ý nghĩa thực sự của các lời nguyện. Khi chúng bắt đầu có nhiều lựa chọn hơn cho bản thân, chúng có thể bất mãn vì đã phải nói những lời cam kết mà không có quyền tự quyết nào. Những lời nguyện có vẻ trống rỗng - một hoạt động tâm linh không liên quan đến kinh nghiệm sống của chúng. Hoặc tệ hơn, nếu chúng phát nguyện quy y, rồi sau đó không tuân các giới nguyện, có làm suy cạn công đức của chúng theo một cách nào đó không?
Bạn tôi, ngài Khenpo Sonam đã an ủi rằng: “Không phải tất cả các việc quy y đều giống nhau. Nếu bạn bị buộc phải quy y, đó không phải là một cam kết thực sự. Do đó không có công đức, tốt hay xấu. Đó là vấn đề hành động mà không có kết quả. Một hạt giống bị cháy sẽ không thể phát triển”.
Ngài minh chứng điều này bằng cách chỉ ra các động lực của việc quy y: “Người ta thường quy y vì đức tin, vì sợ hãi hay lòng trắc ẩn. Kết quả phụ thuộc vào các nhân duyên đó. Nhưng cả ba lý do đều cần tâm xả ly. Nếu không có tâm xả ly thì nó cũng giống như quy y vì lợi ích cá nhân, như để có sức khỏe tốt, danh tiếng hay quyền lực”. Nếu đúng như vậy, thì trẻ em là ngoại lệ. Chúng thường quy y vì ham vui. Thật thích thú khi có được một pháp danh, thật thú vị khi không phải ngồi yên, khi được là một phần của cái gì đó.
Người bạn trẻ Maya của tôi, một Phật tử thế hệ thứ hai, gần đây đã chia sẻ câu chuyện của cô ấy: “Tôi đã quy y khi còn khá trẻ, có lẽ bảy tuổi. Tôi không nghĩ rằng cha mẹ tôi công khai đề nghị điều đó, mà giống như tất cả mấy đứa trẻ quyết định rằng đó sẽ là một điều thú vị để cùng nhau làm. Thật tuyệt khi tất cả chúng tôi đều có nguồn cảm hứng đó. Và được nhận một pháp danh là khá thú vị. Tất nhiên, không biết chúng tôi đã ghi nhớ được bao nhiêu điều mình đã phát nguyện? Tôi không thể biết chắc điều đó. Nhiều bạn đã quy y ngày hôm đó không thực sự là Phật tử, nhưng thật tuyệt khi nghĩ rằng ý định và mối liên kết của họ là tích cực. Rằng ngay cả khi những ý nghĩa sâu sắc hơn, không được hình thành đầy đủ sau đó, thì thực sự nó đã có mặt rồi, và có lẽ cuối cùng nó sẽ lại ở đó”.
Người bạn trẻ Maya của tôi, một Phật tử thế hệ thứ hai tại Hoa Kỳ, gần đây đã chia sẻ câu chuyện của cô ấy: “Tôi đã quy y khi còn khá trẻ, có lẽ bảy tuổi. Tôi không nghĩ rằng cha mẹ tôi công khai đề nghị điều đó, mà giống như tất cả mấy đứa trẻ quyết định rằng đó sẽ là một điều thú vị để cùng nhau làm. Thật tuyệt khi tất cả chúng tôi đều có nguồn cảm hứng đó. Và được nhận một pháp danh là khá thú vị.
Mười chín năm sau, Maya bắt đầu nghiên cứu và thực hành Pháp một cách tích cực, khi cô quy y lần nữa và bắt đầu những sự thực hành sơ khởi.
Còn có sự lựa chọn nào khác không? Cách khác sẽ là ngăn cản trẻ em quy y cho đến khi chúng có thể lựa chọn một cách có ý thức, có lẽ một sự lựa chọn ở tuổi thiếu niên và thực hiện với nghi thức nghiêm túc. Sự quy y với chủ tâm sẽ khiến chúng cảm thấy điều đó thực sự có ý nghĩa, thậm chí có thể được coi như một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành (Mitzvah). Nó sẽ thực sự đánh dấu điểm khởi đầu cho cuộc hành trình của đứa trẻ trên con đường đạo. (…)
Khi tôi dạy tại một trường Phật giáo dành cho trẻ em, chúng tôi đã giới thiệu việc quy y dựa trên kinh nghiệm. Câu hỏi hướng dẫn là: khi nương tựa (quy y), em cảm giác thế nào và ngược lại em cảm thấy thế nào khi là nơi nương tựa cho người khác? Trẻ em học bằng cách sử dụng cơ thể, di chuyển, hát, tụng niệm, vì vậy chúng tôi dựa vào các phương pháp này. Chúng cũng thích các cuộc họp mặt và lễ hội. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng thích các nghi thức lễ lạy. Nhưng chúng tôi đã quyết định không khuyến khích trẻ em quy y, một phần vì 90% các bậc phụ huynh ở đây không phải là Phật tử.
Việc này cho phép chúng tôi khám phá những cách để trẻ em đạt được sự hiểu biết của riêng mình. Trách nhiệm của chúng tôi là truyền đạt bản chất của việc quy y - tôn kính, che chở và soi dẫn - theo những cách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Vì vậy, chúng tôi bắt đầu bằng cách làm những việc như giúp các em quán sát cách côn trùng và động vật xây dựng nhà của chúng; xem các em có thể đến gặp ai trong cộng đồng trường học, nếu các em cần giúp đỡ. Chúng tôi đã giới thiệu với các em cách thực hành quy y nội tâm, xây dựng các kỹ năng để tìm được sự bình tĩnh, tập trung nơi bản thân để các em có thể quay về nương tựa mọi lúc. Việc thực hành quy y nội tâm này được thực hiện và phát triển sâu thêm qua năm tháng.
Đến sáu tuổi, học sinh đã làm quen với thuật ngữ quy y và nhận thức được rằng những suy nghĩ của bản thân đã được phát triển đầy đủ để đến với việc quy y có nhận thức hơn. Các em đã sẵn sàng để tìm hiểu tại sao người ta nương tựa nơi Đức Phật, nơi giáo lý của Ngài và cộng đồng những người thực hành theo những giáo lý đó (Tăng đoàn). Khoảng tám tuổi, trẻ em đã bắt đầu có những câu hỏi về sự sống và cái chết. Lúc đó, các em có thể được giới thiệu đến một sự nương tựa vào Pháp tinh tế, sâu sắc hơn. Để giúp các em quan tâm đến ý tưởng này, ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche đã viết cho chúng tôi lời thệ nguyện quy y đặc biệt dành cho trẻ em:
Tôi chấp nhận sự thật.
Tôi kính trọng người đã dạy sự thật.
Tôi thuộc về cộng đồng những người đi tìm sự thật.
Các em lớn tuổi hơn đã khám phá việc quy y thông qua lăng kính nhân chủng học, nhận biết được sự khác biệt và tương đồng giữa các hệ phái như Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa, các bài kinh, nghi lễ, các kiểu vái chào hoặc lễ lạy khác nhau, và những lời nguyện. Bài học quan trọng ở thời điểm này là Đức Phật không phải là một vị thần, Ngài là một chúng sinh đã đạt được chứng ngộ thông qua suy tư và thực hành. Theo gương Ngài, chúng ta chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình, biết rằng không ai khác có thể giải thoát chúng ta khỏi hậu quả hành động của mình.
Ở cấp cao nhất, chương trình giảng dạy của chúng tôi đào sâu vào khái niệm tâm thức và cách nó luôn tìm kiếm sự nương tựa, trong phóng dật, trong giải trí, trong đủ loại chấp trước và cách Pháp cung cấp một sự thay thế lành mạnh. Các em được khuyến khích sử dụng sự chất vấn, nhận thức và trí tuệ để xác định các nguồn nương tựa đáng tin cậy - nói chung và Phật giáo nói riêng.
Tiếp cận sự quy y trong bối cảnh phi truyền thống lộ diện các liên kết tự nhiên với các lĩnh vực học tập khác, như vương quốc động vật, vấn đề nhà ở, nạn di cư, khủng hoảng tị nạn, v.v… Chúng tôi cũng sử dụng sự nghiên cứu về nương tựa nhằm giới thiệu các cách thực hành để trở thành một chủ nhà tốt và một vị khách tốt.
Những gì mỗi chúng ta nương tựa khác nhau dựa trên việc ta là ai, niềm tin và giá trị của chúng ta. Đối tượng nương tựa có thể là vật chất hoặc nơi chốn mang lại sự an toàn, thoải mái và cảm giác được che chở. Đối tượng nương tựa có thể là người ta tin yêu, tin vào sự hỗ trợ và bảo vệ của họ. Đối tượng nương tựa có thể là nội tâm - tâm và khả năng học hỏi tuyệt vời của nó đối với những điều mới, đối với sự tĩnh lặng, và trí tuệ. Và cuối cùng, đối tượng quy y có thể thuộc cõi tâm linh, thế giới vô hình.
Tiếp cận quy y theo kinh nghiệm mang đến cho trẻ em sự tiến triển tự nhiên trên con đường đạo theo cách riêng của chúng. Và có thể không cần có sự trải nghiệm khổ đau. “Trong khi tôi đồng ý rằng việc vỡ mộng và xả ly là những yếu tố quan trọng đối với hầu hết chúng ta, nếu vòng cung phát triển được thực hiện tốt, những thứ này không cần phải quá kịch tính”, bạn tôi, Karma Wall, cha của một đứa trẻ sáu tuổi nói: “Quy y là điều thiện lành ở khúc đầu, giữa và cuối, theo những cách khác nhau tùy theo sự phát triển của tâm”.
Diệu Liên Lý Thu Linh, 1-2025
(Chuyển ngữ từ Should Children Take Refuge?
Tạp chí Tricycle, 15-8-2024)
------------------------------------------------
1 Giảng sư, tác giả và là người khởi xướng Nhóm Trung đạo (Tổ chức từ thiện Phật giáo).
2 Một nhà sư Tây Tạng.
3 Theo truyền thống Do Thái, khi một cậu bé được 13 tuổi, cậu sẽ làm lễ “Bar Mitzvah” và được thừa nhận có các quyền như một người đàn ông trưởng thành.
4 Người Bhutan, sư cũng là nhà làm phim nổi tiếng.
5 Giáo thọ về chánh niệm theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tre-em-co-nen-quy-y-post74551.html