Trẻ em có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19?

Trẻ em mắc COVID-19 thường ít có diễn tiến nặng, tuy vậy đây là nhóm đối tượng không thể nằm ngoài chiến dịch bao phủ vaccine COVID-19.

Tiêm vaccine cho trẻ em là việc làm thường xuyên và được chấp nhận rộng rãi. Hiện việc tiêm chủng các bệnh sởi, quai bị, bại liệt, bạch hầu, virus rota, viêm màng não, ho gà… bắt đầu khi trẻ chỉ từ vài tuần tuổi. Tuy nhiên, đối với vaccine COVID-19 mới chỉ có một số quốc gia đang thực hiện tiêm cho trẻ nhỏ.

Hiện mới chỉ có một số quốc gia thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Ảnh minh họa

Một lập luận chống lại việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em là chúng nhận được tương đối ít lợi ích từ việc này.

Theo Giáo sư Adam Finn của Liên Ủy ban về tiêm chủng Vương quốc Anh, các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em hầu như luôn nhẹ hoặc không có triệu chứng, điều này trái ngược hẳn với các nhóm tuổi lớn hơn được ưu tiên trong các chiến dịch tiêm chủng.

Một nghiên cứu trên 7 quốc gia, được công bố trên Lancet hồi tháng 5/2021, ước tính rằng có ít hơn hai trong số mỗi triệu trẻ em chết vì vaccine COVID-19. Vì vậy, vaccine COVID-19 dù đã được chứng minh an toàn và hiệu quả vượt mức kỳ vọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhưng việc tiêm vaccine này cho trẻ vẫn phải được cân nhắc cẩn thận giữa rủi ro và lợi ích.

BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng, khi trẻ em mắc COVID-19, các triệu chứng điển hình cũng tương tự như người trưởng thành: sốt, ho, đau họng… Tuy nhiên, đa phần các triệu chứng này sẽ xuất hiện nhẹ nhàng hơn.

Mặc dù vậy, BS Phạm Văn Phúc cũng lưu ý rằng, việc trẻ em ít diễn tiến nặng, bị biến chứng không có nghĩa là COVID-19 không nguy hiểm với nhóm đối tượng này, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi.

Trong làn sóng dịch mới do biến thể Delta gây ra, thế giới đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các bệnh nhi tiến triển nặng như viêm phổi hay suy hô hấp. Ngay ở nước ta, trong đợt dịch thứ tư cũng đã ghi nhận các trường hợp trẻ em trở nặng và tử vong vì COVID-19 nhiều hơn hẳn so với các đợt dịch trước.

Ở nước ta hiện nay, đối tượng tiêm vaccine COVID-19 phải từ 18 tuổi trở lên. Theo BS Phạm Văn Phúc, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nên việc sử dụng vaccine cho trẻ nhỏ cần thận trọng và có những thử nghiệm đủ độ an toàn mới được cấp phép sử dụng.

Trên thế giới, theo BS. Phúc, hiện Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới chỉ cấp phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Các vaccine khác vẫn chưa có thử nghiệm diện rộng với trẻ nhỏ, nếu tự ý tiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ.

Tuy nhiên, trẻ em là nhóm đối tượng không thể nằm ngoài chiến dịch bao phủ vaccine COVID-19 ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nguy cơ lây nhiễm tại trường học là rất lớn khi trẻ thường xuyên có sự tiếp xúc, trò chuyện với nhau.

“Việc có đến hơn 500 F1 là các học sinh khi xuất hiện các chùm ca bệnh ở trường học, trong lần bùng dịch mới đây tại Phủ Lý, Hà Nam là một ví dụ điển hình. Do đó, trẻ em cần được sớm bảo vệ bằng vaccine", BS. Phúc nhận định.

Mới đây, Bộ Y tế đã thỏa thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho trẻ em 12-18 tuổi. Trong năm 2022, Bộ Y tế dự kiến mua vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Cho dù vậy, hiện tại, nguồn vaccine COVID-19 đang khan hiếm. Do đó, Việt Nam đang chủ trương ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao nếu mắc COVID-19 như người cao tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao như lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong tương lai, khi có đủ lượng vaccine, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn để tiêm chủng cho trẻ em.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tre-em-co-nen-tiem-vaccine-ngua-covid-19-post158109.html