Trẻ em có như búp trên cành?

Hết bị đánh đập, bị xâm hại, bị đuối nước, bị bạo hành đến bị bỏ quên trên xe bus dẫn đến tử vong, điều đó khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi liệu giờ đây trẻ em có còn được xem là 'búp trên cành'?

“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” là hai câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ. Đó đồng thời cũng là trách nhiệm Bác giao cho hậu thế về việc phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến thế hệ măng non của đất nước.

Thực hiện tư tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Đến nay, chúng ta có hàng trăm văn bản luật và dưới luật liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã cụ thể hóa nhiều quan điểm tiến bộ, góp phần tăng cường công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Chính sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện nên công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Các quyền và môi trường sống của trẻ dần được bảo đảm, trẻ em khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm.

Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động... vẫn diễn ra hết sức thường xuyên, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng

Tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng

Chỉ tính riêng trong năm 2018, cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục. Còn trong 3 tháng đầu năm 2019, đã có thêm 325 trẻ em trở thành nạn nhân.

Thông thường thì những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số nêu trên có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Đến ngay cả trường học, nơi vốn dĩ được xem là an toàn với trẻ, nhưng giờ đây dư luận cảm thấy bất an khi tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng diễn ra thường xuyên và phổ biến. Và, trên thực tế thì đã có quá nhiều em bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục cũng như phải hứng chịu nhiều hành vi bạo lực từ chính thầy cô và bạn bè mình.

Ở trường học đã vậy, trong cuộc sống hàng ngày, các em còn phải đối mặt với vô số những nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Điều đáng nói là theo thời gian, tính chất của các vụ việc này ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.

Đặc biệt, đối với trẻ em người dân tộc thiểu số, nguy cơ bị xâm hại luôn ở mức “báo động đỏ”. Bởi, thực tế cho thấy, ở các khu vực vùng sâu vùng xa, đường xá thường heo hút, có nhiều hang động, hẻm núi... nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Nạn nhân thường bị xâm hại khi đi chơi, đi phụ giúp gia đình ở các nơi vắng vẻ như nương ngô, ngoài rẫy hoặc đi hái nấm, kiếm rau bìa rừng… mà không có người lớn đi cùng. Sau khi thực hiện hành vi bỉ ổi, các đối tượng thường đe dọa tinh thần nạn nhân để nạn nhân giữ bí mật.

Đã có quá nhiều trẻ em bị quấy rối, xâm hại tình dục

Đã có quá nhiều trẻ em bị quấy rối, xâm hại tình dục

Còn nhớ vào khoảng đầu tháng 3 năm 2016, vụ 23 nữ sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trường Phổ thông dân tộc nội trú La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã bị tên Đỗ Văn Nam - bảo vệ nhà trường dâm ô suốt 2 năm khiến cả nước bàng hoàng. Sự việc chỉ được phát hiện khi có một số em vì quá sợ hãi nên không dám đến trường.

Mới đây, tại Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, không chỉ ở trường học, mà trẻ em có thể là nạn nhân của chính những người thân trong gia đình hay hàng xóm láng giềng của mình.

Ước tính có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục...

Và theo bà Lesley Miller, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef), thì “Đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi ở Việt Nam vẫn có nhiều vụ việc không được báo cáo”.

Điều đáng chú ý, trong số hàng nghìn nạn nhân đó có không ít em bị tổn hại về thể chất, tinh thần do chính người thân trong gia đình gây ra, khi áp dụng các biện pháp trừng phạt để răn dạy trẻ.

Theo bà Nguyễn Hải Anh, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững – MSD, việc trừng phạt trẻ bằng bạo lực không chỉ gây đau đớn, để lại những vết thương trên cơ thể mà nó còn để lại nhiều hệ lụy dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần...

Có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng ít nhất một lần bị bạo lực

Có đến 68,4% trẻ em Việt Nam từng ít nhất một lần bị bạo lực

Nhiều em từ chỗ bị tổn thương thân thể dẫn tới nảy sinh mặc cảm bị khinh rẻ, cô lập, thường xuyên cáu giận vô cớ và muốn tự tử. Đó là chưa nói đến chuyện nếu phải “hấp thu” quá nhiều bạo lực, trẻ có thể trở nên nhờn đòn, cục cằn, thô lỗ, dễ dàng bị kích động hay tức giận, có tâm lý muốn trả thù đời và dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.

Bà Hải Anh cho rằng, nguyên nhân của sự trừng phạt phần lớn đến từ tâm lý “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”; bố mẹ, thầy cô cần nghiêm khắc thì trẻ mới tôn trọng; đã có nhiều người phải chịu đòn roi nhưng không nhận hậu quả gì; không đánh thì trẻ không sợ, dễ hư; việc trừng phạt trẻ bằng đòn roi tỏ ra có hiệu quả…

Thế nên, để trẻ được bảo vệ tốt hơn, trước hết các bậc phụ huynh cần thay đổi quan điểm, phương pháp giáo dục của mình. Mỗi ông bố bà mẹ cần hiểu rõ tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đồng thời, ủng hộ, đề cao những quan điểm tiến bộ trong việc giáo dục trẻ em.

Cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, bảo vệ trẻ em là phải phòng ngừa từ xa các nguy cơ có thể xảy đến chứ không chỉ chạy theo giải quyết hậu quả. Như trong vụ bé lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trong xe ô tô đưa đón ở trường Quốc tế Gateway diễn ra vào ngày 6/8 vừa qua, phải đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì nhiều lỗ hổng về quản lý cũng như sai phạm mới được phơi bày.

“Trong Luật Trẻ em, tôi đếm sơ bộ cũng có đến 18 cơ quan, tổ chức được quy định nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng. Điều đó cho thấy các cơ quan này đã không hoàn thành nhiệm vụ. Hành lang pháp lý có nhưng không chịu thực hiện thì làm sao cơ chế bảo vệ trẻ em từ gia đình, nhà trường, cộng đồng có thể thành hiện thực, làm sao trẻ em được bảo vệ?”, Luật sư Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội, chia sẻ.

Có thể nói vấn đề bảo vệ trẻ em đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để trẻ em được an toàn, mỗi gia đình, mỗi nhà trường, mỗi cơ quan, tổ chức và các cấp chính quyền phải đặt vấn đề này thành một mối quan tâm thường xuyên, liên tục với những phương thức, biện pháp phù hợp hơn chứ không thể mãi hô hào khẩu hiệu. Bởi, đã có quá nhiều bài học đau lòng xảy ra, thế nên chúng ta không thể mãi dễ dãi trong việc phòng ngừa.

Việt Hoàng

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/tre-em-co-nhu-bup-tren-canh-23368.html