Trẻ em đã biết bảo vệ môi trường còn nhiều người lớn thì sao?
Bây giờ, không chỉ trên các con đường, khu dân cư mà trên những con sông, mặt hồ cũng có rất nhiều rác trôi dập dềnh.
Những ngày cuối cùng của tháng 7 vừa qua, chúng tôi cùng đoàn anh em văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang có chuyến thực tế sáng tác tại các xã Cù Lao Giêng của huyện Chợ Mới.
Khi đi trên chuyến phà nối giữa xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân phải chứng kiến một chuyện rất không đẹp của người đàn ông đi chung.
Dù trên phà có một dãy ghế dành cho người đi phà ngồi nhưng vừa ngồi xuống thì những người xung quanh phải đứng lên để nhường chỗ cho một người đàn ông đang vừa ngồi vừa cắn hạt sen nhả phù phù liên tục trước mặt mọi người.
Chuyện ăn uống không ai cấm ở những nơi đông người nhưng nhất thiết phải lịch sự, tế nhị và biết tôn trọng những người xung quanh.
Hôm ấy, vào khoảng gần 11h trưa, dưới cái nắng chang chang của vùng sông nước như vậy nên mọi người dồn về phía có mái che trên của phà.
Xung quanh có một dãy ghế dành cho khách ngồi nhưng người đàn ông này ngồi chính giữa và cắn, nhổ hạt sen với một tần suất liên tục ra khu vực xung quanh khiến cho những người ngồi cạnh thấy rất khó chịu.
Trên phà được quét dọn sạch sẽ nhưng chỉ mấy phút qua sông thì dưới chân người này đã vương đầy vỏ hạt sen. Điều khó chịu nhất là tay đưa hạt sen lên miệng xong là vị này cắn rồi phổ phù ra trước mặt mọi người.
Lúc đầu, một số người nhìn ái ngại, sau đó là họ đứng lên dạt về phía khác để đứng nhưng người đàn ông này vẫn vô tư như chẳng có chuyện gì!
Trẻ em biết bảo vệ môi trường sao người lớn lại vô tư xả rác
Những ngày qua, câu chuyện em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5, Trường Marie Curie (Hà Nội) viết thư ngỏ gửi đến thầy hiệu trưởng của trường mình nói riêng và các thầy hiệu trưởng nói chung bày tỏ mong muốn các trường hãy dừng việc thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Hàng chục bài báo nói về việc này với một sự khen ngợi bởi bức thư đó đã lay động nhiều người lớn và chắc chắn nó sẽ được thay đổi trong ngày khai giảng năm học tới đây ở nhiều trường học.
Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Đồng Tháp cũng đã viết thư gửi đến các trường học, các phụ huynh là sẽ không sử dụng bóng bay trong ngày khai giảng.
Đọc thư của em Nguyễn Nguyệt Linh có lẽ nhiều người lớn chúng ta phải giật mình về thói quen lâu nay ở các trường học bởi trong thư có đoạn:
“Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời.
Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon, tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói...
...Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể dừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?
Con chỉ muốn gửi thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
Học sinh lớp 5 đã có suy nghĩ như vậy, còn người lớn thì sao?
Đi trên đường, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những người lớn đi xe máy, ngồi trên ô tô ăn uống xong thì thả luôn túi nilon, chai nhựa xuống đường. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây nguy hiểm cho nhiều người đang tham gia giao thông.
Những đường phố, những con đường chung vẫn bị xả rác khắp nơi, bởi nhiều người suy nghĩ ích kỷ rằng đã có công nhân môi trường dọn dẹp.
Ra công viên, nhiều người lớn ăn uống xong thì để lại những thức ăn thừa, bao nilon, chai nhựa trên các bãi cỏ.
Nhiều khu chung cư thì nhà trên ném, quét rác xuống nhà dưới, những lối đi chung, những cầu thang vẫn có nhiều người tiện tay ném rác nhưng không mấy ai tự giác dọn dẹp.
Thậm chí vừa qua có trường hợp 2 phụ nữ đi cầu thang máy thì một người che camera, còn một người thì ngồi tiểu tiện trong cầu thang máy. Không hiểu họ đã nghĩ gì khi có những hành động như vậy?
Bây giờ, không chỉ trên các con đường, khu dân cư mà chúng ta nhìn trên những con sông, những mặt hồ luôn có rất nhiều rác trôi dập dềnh trên mặt nước.
Trong khi, chúng ta đều biết bao nilon, rác thải nhựa là vô cùng nguy hiểm và khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Vậy nhưng, rác vẫn hiện hữu khắp nơi, ở mọi lúc.
Nếu không thay đổi thói quen xấu, không ý thức về môi trường sống, không tế nhị với những người xung quanh thì không chỉ môi trường sống của con người bị ảnh hưởng mà chính người lớn đang nêu một tấm gương xấu cho con trẻ.
Mỗi hành động rất nhỏ nhưng sẽ hình thành một thói quen lớn, một tấm gương lớn cho con em mình, cho mọi người xung quanh và điều quan trọng là hình thành ý thức, thói quen cho mỗi con người.
Chỉ tiếc, trong cuộc sống hàng ngày, trong những lúc đi trên đường thì chúng ta vẫn không khó bắt gặp những hành động phản cảm, chưa ý thức của một số người lớn.
Trong khi, nhiều trẻ em lại rất ý thức vấn đề giữ gìn vệ sinh và ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Nghĩ buồn thay!