Trẻ em Đức dự kiến được tiết kiệm hưu trí từ năm 6 tuổi

Đa số người lao động chỉ bắt đầu tiết kiệm hưu trí khi có việc làm ổn định, tuy nhiên ở Đức, ngay cả trẻ tiểu học cũng được khuyến khích chuẩn bị từ sớm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Theo CNBC (Mỹ), Chính phủ Đức đã lập kế hoạch giới thiệu “lương hưu khởi đầu sớm”, thiết lập quỹ hưu trí cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Với kế hoạch này, công dân Đức từ 6 đến 18 tuổi theo học tại các cơ sở giáo dục có thể nhận được 10 euro (11 USD) mỗi tháng từ chính phủ, tương đương 1.440 euro cho mỗi trẻ trong 12 năm đủ điều kiện, cộng với lợi nhuận phát sinh từ việc đầu tư số tiền gửi.

Khi bước qua tuổi 18, các em có quyền đóng thêm quỹ cá nhân vào tài khoản theo mức giới hạn hàng năm. Lợi nhuận sẽ không bị tính thuế cho đến khi người dùng bước vào tuổi nghỉ hưu và thời điểm đó họ có thể rút tiền trong tài khoản.

Tuổi nghỉ hưu hiện tại của Đức là 67 và luôn có thể tăng. Điều này đồng nghĩa với “lương hưu khởi đầu sớm” sẽ tích lũy trong hơn 60 năm. Các nhà hoạch định chính sách cũng lập luận rằng ngoài việc giúp người trẻ chuẩn bị cho tương lai, sáng kiến này cũng sẽ giúp họ nhận thức và hiểu biết hơn về tiền bạc, tiết kiệm và đầu tư.

Nhiều chi tiết về chương trình vẫn chưa chắc chắn. Cho đến nay, cũng chưa có hướng dẫn về cách thức đầu tư tiền tiết kiệm và cơ quan sẽ quản lý chúng. Một số chuyên gia cho biết tổng số tiền đầu tư này có thể không thực sự là nhiều đối với mỗi cá nhân. Ông Johannes Geyer, phó trưởng khoa kinh tế công tại viện nghiên cứu DIW Berlin, nói với CNBC rằng số tiền này về cơ bản chủ yếu mang tính tượng trưng.

Ông cho rằng chính sách này có thể khuyến khích giới trẻ tư duy về an toàn tài chính lâu dài ngay từ sớm và khiến họ làm quen với thị trường vốn. Nhưng ông Geyer nhận định kịch bản này chưa chắc đã khả thi trên thực tế.

Ông Geyer giải thích: “Khi mọi người nhận tiền một cách thụ động và về cơ bản không phải tự đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, thì kiến thức tài chính của họ chưa chắc sẽ được cải thiện. Chỉ cần ‘tiếp xúc’ với các quyết định đầu tư không nhất thiết dẫn đến những lựa chọn tốt”.

Ông Christoph Schmidt, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế RWI Leibniz, cũng có quan điểm tương tự. Ông lập luận rằng số tiền này sẽ hiệu quả hơn nếu được sử dụng trong hệ thống giáo dục của Đức.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/tre-em-duc-du-kien-duoc-tiet-kiem-huu-tri-tu-nam-6-tuoi-20250528214621873.htm